Lội nước bẩn nhiễm bệnh
Từ năm 2012 đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân với các triệu chứng bị sốt, sưng nề các chi, hoại tử da, mô mềm dưới da. Quá trình hoại tử diễn tiến rất nhanh, chủ yếu là chân và tay. Bệnh nhân cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, sốc nhiễm trùng. Đã có tới 7 bệnh nhân tử vong. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nhiều bệnh nhân nhiễm vi khuẩn AH.
Gần đây nhất, ngày 10.7, bệnh nhân N.H.V (45 tuổi, trú tại ngoại thành Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, rối loạn đông máu. Hai cẳng chân, bàn và cẳng tay phải bị sưng nề, hoại tử. Người nhà cho biết, trước đó 3 ngày, bệnh nhân bị ong đốt vào mu bàn tay phải, sau đó anh này đã rửa vết thương ở mương nước bẩn. Hôm sau, bàn tay bị sưng nề và bệnh nhân sốt nhẹ. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2 thì bị đau nhức dữ dội ở bắp chân và khớp gối, rồi tiếp tục sưng to, da chuyển màu xanh tím và có dấu hiệu hoại tử phải đưa lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư điều trị.
Một bệnh nhân khác (35 tuổi, Bắc Giang) cũng bị hoại tử toàn bộ cẳng chân, sưng nề và hoại tử nhiều bộ phận trên cơ thể. Trước đó, bệnh nhân bị vết xước ở bàn chân. Do không đau nên anh vẫn đi lội mương nước bẩn. Ngay sau đó anh bị sốt và xuất hiện các hiện tượng tấy đỏ, tím tái các chi. Bệnh viện đã cố gắng điều trị nhưng bệnh nhân không thoát sốc. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn AH.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết, các ca bệnh này có biểu hiện lâm sàng giống bệnh nhiễm vi khuẩn AH. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào kết quả xét nghiệm cũng cho thấy hiện diện của vi khuẩn AH do một số ca đến viện muộn, đã điều trị kháng sinh.
Cẩn thận với vết thương sưng tấy
Bác sĩ Lương Quốc Chính: Nếu bạn thấy vết thương bỗng nhiên đau, sưng nề, sốt và gai rét, buồn nôn và nôn, tiêu chảy thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không chủ quan tiếp xúc vết thương vào nước bẩn, dù chỉ là vết xước nhỏ”. |
Theo bác sĩ Chính, vi khuẩn có thể nhiễm cả ở những người khỏe. Tuy nhiên, đa số các trường hợp là do hệ miễn dịch suy yếu, gặp các bệnh mãn tính; những người có vết đứt tay trên da; mới mắc bệnh thủy đậu hoặc nhiễm các virus khác gây phát ban; sử dụng thuốc steroid làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Đó là lý do khiến nhiều người bị xước chân, đứt tay sau đó vẫn tiếp xúc với nước bẩn nên bị nhiễm vi khuẩn AH.
Còn theo bác sĩ Cấp, vi khuẩn AH dễ bị tiêu diệt bằng kháng sinh, tuy nhiên, diễn tiến của bệnh rất nhanh, chỉ sau 2-3 ngày, bệnh nhân bị hoại tử da trên diện rộng, dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng đường huyết nên tỷ lệ tử vong rất lớn. Quá trình điều trị bệnh rất tốn kém do phải thở máy, lọc máu dài ngày. Nếu được cứu sống bệnh nhân cũng phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cắt bỏ da hoại tử, cấy ghép da mới.
Theo danviet