Kinh khủng khói đen xe buýt thải ra đường

Nhiều xe buýt đang lưu thông trên những tuyến đường ở TP.HCM vô tư nhả khói thẳng vào người tham gia giao thông. Tình trạng trên diễn ra đã nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để vấn nạn này.

Lên ga là… nhả khói

Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, hiện nay tình trạng xe buýt nhả khói đen ngòm thẳng vào người đi đường diễn ra khá phổ biến dù trong trung tâm TP hay vùng ngoại ô. Cứ mỗi lần xe dừng vào trạm rồi bắt đầu tăng tốc rời đi, khói đen mịt mù tuôn ra và người đi sau sẽ lãnh đủ. Kinh khủng hơn là những lúc tắc đường, nhiều phương tiện phía sau sẽ hứng trọn những làn khói đen độc hại từ ống pô xe ùn ùn thải ra. Người đi xe máy phía sau chẳng còn cách nào ứng phó ngoài bịt mũi, che mặt…

Tại Bến xe Miền Đông, nơi có lượng xe ra vào thường xuyên, PV ghi nhận nhiều chiếc xe buýt của tuyến số 43, số 5… nhả khói mù mịt. Còn tại những tuyến đường ở khu vực Thủ Đức, nhiều xe buýt của tuyến số 6, 141, 611… cũng thải ra nhiều khói đen kịt làm mặt mũi, áo quần người đi đường bị ám đen.

Giữa thời tiết nắng gắt ở TP.HCM, nhìn cảnh xe buýt nhả khói ra đầy môi trường, ai cũng ngán ngẩm. “Có lần dừng chờ đèn đỏ, đứng sau xe buýt và bị xe buýt nhả khói ra đầy mặt. Khi về nhà, tôi lấy khăn ướt lau mặt thì chiếc khăn đen xì! Tôi thấy nhiều lần khi xe tấp vào trạm, tăng ga là người đứng chờ xe buýt phải né ra thật xa để tránh hít phải khói xe. Khổ nhất là những người bán hàng rong ở gần trạm, xe buýt nhả khói là coi như hàng hóa bị khói bám đầy vào” - anh Lê Tấn Nghĩa, ngụ quận Thủ Đức, chia sẻ.

Những làn khói đen thải ra từ xe buýt không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Bạn Phạm Thị Mộng Mơ, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, một hành khách thường xuyên của xe buýt, bày tỏ: “Em nghĩ rằng cần thay ngay các xe buýt cũ để xe buýt không còn thải khói độc hại ra môi trường. Có như vậy mới phù hợp với tiêu chí xe buýt thân thiện và bảo vệ môi trường”.

Khói đen từ xe buýt thải thẳng vào những người đi đường. Ảnh: TẤN HIỆP

Vi phạm thường được bỏ qua

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hiện nay tại TP.HCM có xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xe buýt chạy bằng dầu, chính vì thế khả năng gây ô nhiễm vẫn khá cao. Nếu xe càng cũ thì càng ô nhiễm.

“Tôi nghĩ với số lượng xe buýt như hiện nay thì đây là một nguồn gây ô nhiễm cho TP.HCM. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm do khói xe buýt gây nên, tôi nghĩ chúng ta nên tăng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG; các xe buýt phải thường xuyên được bảo dưỡng và phải cương quyết thay thế những xe cũ” - TS Dương nhấn mạnh.

Thời gian trước đây tôi có làm một đánh giá sơ bộ về việc thay đổi toàn bộ xe máy bằng xe buýt. Theo kết quả, tôi thấy nếu chúng ta thay đổi toàn bộ xe máy ở TP.HCM bằng xe buýt thì tình trạng ô nhiễm sẽ bị tăng lên chứ không giảm đi, vì thời điểm nghiên cứu thì xe buýt phần lớn dùng xe công nghệ cũ chứ không dùng công nghệ tốt. Điều này cho thấy việc phát thải của xe buýt là khá cao. Bởi vậy cần kiểm tra gắt gao và liên tục xe buýt chứ không xuân thu nhị kỳ như hiện nay.

PGS-TS HỒ QUỐC BẰNG, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nhìn vấn đề dưới góc độ luật pháp, TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết nếu dựa vào Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT, xe buýt là đối tượng phải được đăng kiểm theo thời hạn quy định nhằm kiểm tra an toàn thiết kế và kiểm tra về khí thải. Nếu kết quả kiểm định cho thấy nồng độ một số chất như CO, HC vượt quá ngưỡng quy định hoặc các vi phạm về độ khói của khí thải thì các xe này đều được xếp vào diện xe khiếm khuyết, hư hỏng nặng.

Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt có quy định về xử phạt trong trường hợp điều khiển xe không có bộ phận giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải. Nếu không tuân theo quy định về khí thải của xe ô tô thì chủ xe sẽ bị phạt tiền, đồng thời buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thay đổi thiết bị để giảm bớt khói thải.

Về thẩm quyền xử phạt, TS Minh cho biết: “Có ba chủ thể có thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND các cấp khi sự việc này xảy ra trên địa bàn quản lý; lực lượng cảnh sát môi trường; lực lượng thanh tra giao thông. Muốn xử phạt thì người có thẩm quyền phải chứng minh việc phương tiện nhả khói không đạt chuẩn ra môi trường. Việc này không chứng minh qua mắt thường được mà phải thông qua thiết bị. “Do  lực lượng trực tiếp xử phạt không thể phạt được ngay khi phát hiện xe xả khói vì cần phải có thời gian kiểm định nên vi phạm thường được bỏ qua” - TS Minh nhận xét.

Ngoài ra, TS Minh cũng cho rằng hiện không có quy định rõ về việc cải tạo khói đen xả ra từ xe buýt như thế nào để làm sạch trước khi xả vào không khí. Đây là khoảng hở của luật pháp và vô tình dung túng nạn xả khói thải xe vô tội vạ.

Khí thải xe ảnh hưởng lớn sức khỏe người dân

Trao đổi với PV về tác hại của khói xe buýt, BS Quách Minh Phong, Phó khoa Nội tổng hợp BV quận 2, cho hay trong khói xe có chứa một loại khí độc gọi là oxit cacbon. Những người đi sau những chiếc xe này, đặc biệt là những người có bệnh về hô hấp như bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), sẽ làm cho cơn hen lên nhiều hơn, những cơn tắc nghẽn mạn tính của bệnh phổi cũng sẽ tăng lên. “Về lâu dài, nếu hít phải khói xe thường xuyên mỗi ngày thì đường dẫn khí của phổi chắc chắn sẽ bị tổn thương. Khi hít phải khói xe, đối tượng tổn hại nhiều nhất sẽ là trẻ em và người già” - BS Phong nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới