Quận 1 (TP.HCM) muốn thí điểm cho phép bán hàng rong trên vỉa hè và được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về cách thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Pháp Luật TP.HCM xin ghi nhận những góp ý của các chuyên gia về đô thị, người Việt sinh sống ở nước ngoài.
Thay đổi thói quen người mua
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến: “Nên hiểu rõ là trong đô thị, bán hàng trên vỉa hè không có gì là xấu, nó lại còn làm tăng bản sắc đô thị. Ở TP Paris, New York hay Toronto vẫn có bán hàng trên vỉa hè. Vấn đề là tổ chức thế nào. Tôi thấy ở Paris người ta bán cà phê, khách ngồi trên vỉa hè uống cà phê, rất quy củ, không lấn chiếm hết vỉa hè, không làm ảnh hưởng đến người đi bộ”.
“Ta có thể phân loại thành ba loại đường. Loại đường mang ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, ví dụ đường Lê Duẩn, đường trước UBND TP, trước các bảo tàng... thì cấm bán hàng rong” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng loại hai là tuyến đường cho phép bán nhưng có giới hạn. Có thể xác định giới hạn được bán hàng bằng vạch sơn, màu sơn gạch vỉa hè. Quy định rõ giờ nào thì được bày bán, giờ nào thì phải dẹp đi. Quy định rõ chỗ nào được bán, chỗ nào được ngồi, chỗ nào được để xe hoặc phải để xe tập trung về một điểm nào đó trên đường. Điều này cũng nhằm thay đổi thói quen của người mua hàng rong là cứ dựng xe lung tung, đậu xe dưới lòng đường để mua hàng.
Người bán hàng trả phí để sử dụng chỗ bán hàng, nếu họ cảm thấy cần đến 2-3 chỗ cho việc kinh doanh của họ thì họ có thể trả phí cho 2-3 “lô” cạnh nhau.
“Chúng ta xác định người bán rong là những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không cao nên không tính chuyện thu phí hay thu thuế cao mà thu phí này chỉ nhằm trang trải cho công tác quản lý mà thôi.
Tôi cho rằng các đội quản lý, hướng dẫn du lịch có thể kiêm luôn công việc quản lý, nhắc nhở hàng rong không lấn ra khỏi vùng cho phép, không xả rác...
Loại ba là những vỉa hè trong các khu phố đi bộ, có thể cho phép bán rong mà không cần kẻ vạch hay sơn màu khác” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói thêm.
Người bán hàng rong ở Công viên Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) vừa bán vừa lo trật tự phường đến đuổi. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cố định để quản lý, thu phí, phạt
Chị T. (từng trải nghiệm, quan sát nhiều đường phố ở Thái Lan một thời gian) cho biết ở Thái Lan có cho phép bán hàng trên vỉa hè. Người Thái sử dụng phương tiện công cộng nên họ đi bộ đến trạm và đi bộ từ trạm đến công sở, nhà... Vì vậy vỉa hè thường rất đông người đi bộ. Ở những con đường lớn, Thái chỉ cho phép bán hàng trên vỉa hè sau 19 giờ. Còn trong các con hẻm, trên vỉa hè đường nhỏ thì cho phép bán cả ngày.
Dù bán ở đâu thì người bán chủ yếu bán trên xe đẩy với rất nhiều đồ, rất ít kiểu bán trên thúng, mẹt như ở ta (vì để được quá ít đồ). Họ đứng thành một hàng và thường đưa... lưng ra ngoài đường. Đây là nét đặc trưng ở Thái. Khi quay lưng ra đường, quay mặt vào trong vỉa hè thì người bán rong chủ yếu phục vụ cho khách đi trên vỉa hè. Tôi chưa từng thấy ai dừng xe bên đường để mua hàng trên vỉa hè cả.
Người bán hàng phải đăng ký, trả phí để sử dụng chỗ bán hàng và họ chỉ đứng đúng ở chỗ họ đăng ký, không vì thấy chỗ kia “ngon” hơn mà qua giành. Họ cực kỳ tuân thủ việc này. Họ cũng tuân thủ vấn đề vệ sinh. Xe bán hàng trên vỉa hè ở Thái rất sạch sẽ, họ luôn có bao rác to của mình, không xả bậy ra đường, vì sẽ bị phạt rất nặng.
Một đặc điểm nữa là ngày thứ Hai hằng tuần (trước đây là thứ Hai đầu tháng và thứ Hai giữa tháng), Thái cấm toàn bộ hàng rong. Ngày này, đội vệ sinh sẽ đến chà vỉa hè, xịt nước rửa... nên không cho bán hàng rong vào ngày này.
Anh H., có thời gian dài sống qua nhiều TP ở Pháp, cho biết có một người quen muốn bán hàng trên vỉa hè, nộp đơn xin phép, bị từ chối vì con đường đó không cho bán hàng.
Theo anh H., người bán hàng trên phố cũng biết cách chia sẻ với nhau. Giả sử một anh hàng bán bánh thì hàng bên cạnh sẽ bán món khác, không cạnh tranh với nhau. Họ không có “hàng rong”. Mặc dù là xe nhưng mà điểm bán cố định và phải xin phép. Không có chuyện đẩy xe, quẩy thúng đi chỗ này, chỗ nọ, thích chỗ nào ngồi bán chỗ đó như ở ta. Ở quảng trường, đôi khi có vài người bưng mẹt ngồi bán đồ lưu niệm. Không ai thèm rượt đuổi chạy vòng vòng như ở ta, coi kỳ lắm. Chỉ có điều khách không mua hàng rong kiểu này nên người bán thấy bán không được mà tự động nghỉ bán luôn, không cần chính quyền đuổi bắt làm gì.
Thí điểm hàng rong trên vỉa hè hai con đường ở quận 1 Từ giữa tháng 4, quận 1 (TP.HCM) sẽ thí điểm cho bán hàng trên vỉa hè đường Lê Văn Chiêm (đoạn giao lộ Hai Bà Trưng và đoạn giao lộ Phạm Ngọc Thạch) và khu vực trong Công viên Cảng Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng (đối diện Ngân hàng Sài Gòn Công Thương). Mô hình trên có tên gọi “Khu vực ẩm thực thí điểm sắp xếp kinh doanh có thời gian”. Người bán được bày bán hàng từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 11 giờ đến 13 giờ. Dự kiến có khoảng 50-60 hộ sẽ được bán tại đây. Quận 1 ưu tiên cho các hộ dân buôn bán hiện hữu tại quận 1 trước, chưa nhận những hộ kinh doanh từ nơi khác đến. |