Trong bản cập nhật kinh tế công bố cuối tuần qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng ở các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (TBD) sẽ tăng tốc trong năm nay, do các nền kinh tế trong khu vực được hưởng lợi từ việc Trung Quốc (TQ) mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.
Tăng trưởng nhanh, ổn định
Theo báo cáo, các nền kinh tế Đông Á - TBD dự kiến sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, từ mức 3,5% của năm 2022. Dự báo này tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo mà WB công bố vào tháng 10 năm ngoái, theo kênh Channel News Asia.
Hầu hết các nền kinh tế lớn của Đông Á - TBD đều đã vượt qua những khó khăn của đại dịch nhưng hiện phải điều hướng trong bối cảnh toàn cầu đã thay đổi. Để lấy lại động lực, còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy đổi mới, năng suất và thiết lập nền tảng cho sự phục hồi xanh hơn.
Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á - TBD MANUELA FERRO
Báo cáo của tổ chức tài chính về khu vực cho biết hoạt động kinh tế ở hầu hết các nước đang phát triển ở Đông Á - TBD đã phục hồi, dẫn đầu là lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa và hàng tiêu dùng.
Sự phục hồi kinh tế của TQ dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Ngay cả khi tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ thấp hơn trong năm nay, những tác động đối với khu vực dự kiến sẽ được bù đắp một phần nhờ vào sự phục hồi của Bắc Kinh.
Ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á - TBD, cho biết: “Tôi nghĩ rằng tăng trưởng ở TQ sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của khu vực trong năm nay. TQ, vốn chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022, được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2023. Điều này phần lớn nhờ sức tiêu dùng nội địa của TQ phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra”.
Ông Mattoo nói rằng phần còn lại của khu vực đã trải qua sự phục hồi đó vào năm ngoái nên mức tăng trưởng có lẽ sẽ chậm hơn. Theo báo cáo của WB, phần còn lại của khu vực (trừ TQ) dự kiến có mức tăng trưởng khoảng 4,9% trong năm nay, giảm từ mức 5,8% của năm 2022.
Báo cáo cũng nhắc tới các nền kinh tế Indonesia, Philippines và Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng khiêm tốn hơn vào năm 2023 so với năm 2022. Riêng Việt Nam, trong bản cập nhật mới, WB dự báo mức tăng trưởng năm 2023 là 6,3%, giảm so với mức 6,8% được dự báo trước đó cho năm 2023 và thấp hơn mức 8% của năm 2022. Hầu hết các quốc đảo TBD được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2023, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là Palau với 12,3%.
Một trong những phát hiện của nghiên cứu là các nền kinh tế Đông Á - TBD có mức tăng trưởng chung nhanh hơn và ổn định hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới, kể cả các nền kinh tế tiên tiến, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tuy nhiên, dù như vậy, tốc độ bắt kịp các nền kinh tế có thu nhập cao vẫn còn hạn chế và bị chững lại trong những năm gần đây.
“Tăng trưởng nhanh và ổn định là một thành công đáng kể của khu vực. Nhưng chúng tôi đã không thấy những cải cách cơ cấu lớn và đó là lý do tại sao mức tăng trưởng năng suất và tốc độ bắt kịp các nước có thu nhập cao đã bị đình trệ ngay cả trước khi dịch COVID-19 xảy ra” - ông Mattoo nói.
Theo ông, một loạt cú sốc gần đây chẳng hạn như dịch COVID-19, chiến sự Nga - Ukraine và lạm phát gia tăng, tiếp tục cản trở việc thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển.
Người dân đi ngang khu vực xây dựng gần khu trung tâm thương mại ở Bắc Kinh |
Thách thức vẫn còn
Bên cạnh dự báo lạc quan về khu vực, WB cũng nêu ra một số thử thách lớn mà các nền kinh tế nơi đây đang phải đối mặt, gồm sự gia tăng căng thẳng thương mại, dân số già hóa nhanh chóng và rủi ro liên quan biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ông Mattoo cho rằng tình trạng “rút khỏi toàn cầu hóa” là một thách thức trước mắt đối với các nền kinh tế Đông Á - TBD.
“Rất nhiều sự tăng trưởng trong khu vực này đến từ một thế giới nơi thị trường mở, hội nhập và được điều chỉnh bởi các quy tắc thương mại có thể dự báo được. Tuy nhiên, giờ đây đang xuất hiện hiện tượng “rút khỏi toàn cầu hóa”. Sự chia rẽ thương mại và các yếu tố chính trị hay thay đổi đang tạo ra sự bất ổn trong khu vực, mà chúng tôi nghĩ rằng cuối cùng sẽ là một vấn đề đối với tăng trưởng thông qua thương mại” - ông Mattoo nhận định.
Có thể thấy rằng sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại, nhiều cú sốc và thách thức đang rình rập có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng trong khu vực trừ khi có sự đánh giá lại sâu sắc về con đường cải cách, theo nhà kinh tế trưởng WB.
Trước những thách thức trên, WB nêu ra bốn hành động chính sách cần thiết để giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng, gồm cải cách chính sách tài chính vĩ mô, cải cách cơ cấu kinh tế, cải cách chính sách liên quan khí hậu và hợp tác quốc tế.
Về hợp tác quốc tế, ông Mattoo cho rằng các quốc gia không thể đơn độc giải quyết những căng thẳng toàn cầu với nhiều thách thức phủ bóng triển vọng tăng trưởng của khu vực. Ông cũng cho rằng lĩnh vực dịch vụ là chìa khóa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay, do đó để đẩy mạnh tăng trưởng khu vực, các nước ở đây phải từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ và mở cửa lĩnh vực dịch vụ.
Liên quan vấn đề già hóa dân số, ông Mattoo cho biết cần phải điều chỉnh các khoản tài chính sâu sắc hơn, trong đó các chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ xã hội và đặt nền móng cho tăng trưởng toàn diện, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn hoặc đầu tư vào giáo dục và y tế. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh khu vực phải góp phần giảm lượng khí thải carbon, quản lý rủi ro và đầu tư vào thích ứng với các diễn biến khí hậu sắp tới.•
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2023 đạt mức 4,7%
Nửa cuối tháng 2 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Á đạt mức 4,7%, tăng từ mức 3,5% của năm ngoái. Theo IMF, nguyên nhân tăng trưởng là nhờ vào tình hình tài chính toàn cầu có chuyển biến tích cực, giá lương thực và dầu đang giảm, nền kinh tế TQ đang phục hồi trở lại.
TQ và Ấn Độ được dự báo sẽ đóng góp hơn một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Ngoài ra, ước tính cứ mỗi điểm phần trăm tăng trưởng của TQ sẽ giúp các nền kinh tế châu Á khác tăng 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng. Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều đang quay trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch.
Với dự báo này, châu Á trở thành khu vực năng động nhất trong các khu vực lớn trên thế giới và là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu, theo IMF.