Phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) chiều 25-5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã có phần phát biểu sâu sắc, mà như ông nói, “các báo cáo chỉ ẩn dấu bằng một vài từ thì khó nói hết”. Pháp Luật TP.HCM xin lược đăng (*).
Thu ngân sách vượt 38.000 tỉ đồng
2014 là năm đầu tiên hoàn thành gần như tuyệt đối, 13/14 chỉ tiêu. Chỉ tiêu còn lại là lao động không qua đào tạo thì đạt xấp xỉ ở mức 49% so với chỉ tiêu 50% QH đề ra. Trong những chỉ tiêu đạt thì thu ngân sách vượt rất lớn, 38.000 tỉ đồng; tăng trưởng lần đầu tiên sau bốn năm vượt qua chỉ tiêu QH giao, đạt 5,92% so với yêu cầu là 5,8% - con số rất chắc chắn. Trong chỉ số này có các con số tăng trưởng về công nghiệp, nông nghiệp... rất ấn tượng. Trong lúc tăng trưởng phục hồi thì chỉ số giá tiêu dùng vẫn tiếp tục giảm. Tỉ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán đều thặng dư do ta xuất siêu.
KT-XH bốn tháng đầu năm 2015 kế thừa những gì đã đạt được cả năm trước. Các chỉ số tích cực ở quý I-2015 chứng tỏ sự đi lên của nền kinh tế nước ta là vững chắc: GDP tăng 6,03%, so với cùng kỳ nhiều năm qua chỉ ở mức 5,4%-5,6% thôi. Đầu năm chỉ dự kiến tăng trưởng khoảng 5,7%-5,75% nhưng sau thống kê tất cả lĩnh vực, từ dưới lên thì đạt 6,03%.
“Nông nghiệp ta như thế, cái gì cũng theo phong trào, phá quy hoạch, cái gì cũng tăng sản lượng, được mùa để rồi dư ra thì bán đi đâu?”. Ảnh: TM
Vẫn lo về nông nghiệp
Tuy nhiên, trong bốn tháng đầu năm lại bắt đầu nảy sinh một số khó khăn mà trước đây chúng ta đã dự báo. Đầu tiên là nông nghiệp, năm 2014 tăng trưởng khá nhưng tới quý I-2015 lại giảm - chỉ tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước là 3%.
Việc Bộ Công Thương vừa rồi phát động phong trào mua dưa cho đồng bào chỉ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn kinh tế, bởi còn bao nhiêu sản phẩm khác nữa. Như cao su, anh em miền Nam làm ngành này rất buồn bã bởi trước giá cao nhất 150 triệu đồng/tấn, giờ chỉ còn 25 triệu đồng. Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su.
Chuyện này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị nữa. Miền Nam bằng phẳng, bà con trồng cao su bao nhiêu năm rồi, đã có lúc hưởng giá cao, chứ đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên thì rất lo. Vì 1-2 năm nữa bắt đầu thu hoạch thì giá này không thể bán nổi và càng làm càng lỗ. Trước ta lên thăm vườn, động viên bà con làm cho được, giờ nói thế nào?
Lúa gạo cũng rất đáng lo. Năm cao ta xuất khẩu 7,7 triệu tấn, vậy mà quý I vừa rồi rất thấp. Ngành này đang đối mặt ba vấn đề. Đầu tiên là làm số lượng nhiều nhưng chất lượng kém, không cạnh tranh nổi gạo Thái Lan. Thứ nữa, một số nước bắt đầu dùng chính sách bảo hộ nông nghiệp, như Indonesia trước nhập gạo ta rất nhiều thì giờ khép lại, thúc đẩy tự cung tự cấp. Ngoài ra, số nước có gạo xuất khẩu tăng thêm. Thái Lan sau thời gian tích trữ thì giờ bung ra, bán giảm giá. Ấn Độ, Pakistan trước chỉ nhập, giờ tuyên bố xuất khẩu. Campuchia cũng bắt đầu xuất 2 triệu tấn thóc và đang nỗ lực tăng thêm. Mà hàng gạo này chỉ các nước châu Á dùng với nhau chứ châu Âu có cần đâu.
Tôi vừa vào Bình Thuận, thấy báo cáo tỉnh chỉ quy hoạch 15.000 ha làm thanh long thôi nhưng dân đã bung ra 25.000 ha mà còn chưa dừng lại. Thế thì không ế mới lạ. Nông nghiệp ta như thế, cái gì cũng theo phong trào, phá quy hoạch, cái gì cũng tăng sản lượng, được mùa, để rồi dư ra thì bán đi đâu. Đây là vấn đề rất lớn của tái cấu trúc khu vực kinh tế nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng tất cả phải được bàn kỹ hơn, căn cơ hơn, sâu sắc hơn, có giải pháp và ngay trong năm nay, với sự tham gia của các địa phương, các hiệp hội, cơ quan Chính phủ. Nếu không tháo gỡ mạnh, chỉ đến kỳ họp QH sau thôi, ta sẽ thấy tăng trưởng kinh tế bị nông nghiệp kéo xuống. Mà đây là vấn đề đời sống của nông dân, bộ phận rất lớn của xã hội.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN
Mảng thứ hai cũng rất lo lắng là dịch vụ. Nói không phải bi quan nhưng ba lĩnh vực của nền kinh tế gồm nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ thì chỉ có công nghiệp là giúp ta tăng trưởng mạnh mẽ bốn tháng qua. Còn cả nông nghiệp, dịch vụ đều đang giảm.
Xin báo cáo một con số nhìn thấy bằng mắt thường là du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 ước đạt 576.000 lượt người, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, tháng 4 cũng giảm. Mà tháng 5-2014 xảy ra sự kiện giàn khoan 981, khách Trung Quốc đã giảm mạnh rồi. Tính chung năm tháng đầu năm mới đạt gần 3,3 triệu lượt khách, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Mà du lịch dắt dây tới nhiều lĩnh vực khác: Người bán hàng ăn, khách sạn nhà hàng, giao thông, hàng không đều chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân có phần do các nước phá giá mạnh đồng tiền, dẫn tới giá du lịch ở ta theo USD bị tăng cao lên, giảm sức cạnh tranh so với các nền du lịch khác.
Giải pháp căn cơ lâu dài vẫn là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Trong ba nhóm lớn, DNNN thì nói thật ông này lớn, sở hữu nhiều tài nguyên và vốn thì cứ bình bình thế thôi. Còn nhóm FDI - DN có vốn đầu tư trực tiếp từ ngoài thì họ ít phụ thuộc vào tín dụng cũng như thị trường trong nước. Họ có nguồn tiền riêng và sản xuất chủ yếu để xuất khẩu nên vẫn tăng trưởng mạnh và chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhóm thứ ba, DN dân doanh mới thực sự cần quan tâm. Ta đã và đang làm nhiều chính sách hỗ trợ và từ 1-7 tới, sáu nghị định của Chính phủ liên quan tới Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, sẽ có tác dụng tích cực. Nhưng sẽ không tác động ngay trực tiếp mà cần thời gian.
Nói tóm lại, ba lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và DN dân doanh là ba mũi nhọn chính, nếu bị tổn hại hoặc phát triển không lành mạnh thì Việt Nam ta không thể có tăng trưởng tốt được.
Thảo luận với các đối tác quốc tế, họ đều công nhận xu thế đi lên của chúng ta là rõ nét, tăng trưởng 6,5%-7% trong năm năm tới là hoàn toàn khả thi. Nhưng nếu chúng ta không tháo gỡ tốt ba lĩnh vực mũi nhọn ấy thì chúng ta sẽ chẳng có căn cứ gì để phát triển cả.
BÙI QUANG VINH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
* Tít và tiểu tựa do tòa soạn đặt.