Cấm bán tại chỗ kéo dài, thương hiệu tên tuổi cũng 'ra đi'

Dọc đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) - con đường vốn được mệnh danh là thiên đường ẩm thực, đang phải chứng kiến cảnh hàng loạt cơ sở kinh doanh trả mặt bằng. Số khác thì đang cố gắng bám trụ kinh doanh bằng hình thức bán mang đi dù dòng tiền này chưa đủ để trang trải mặt bằng, và chi phí cho nhân viên đứng bán.

Tuy vậy, các chuỗi thực phẩm nhà hàng, nước uống tại TP.HCM cho biết họ đang mong mỏi ngày được mở bán bình thường trở lại, để có cơ hội phục hồi kinh tế.

Mong chờ mở cửa bình thường trở lại

Ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện Gong Cha Việt Nam, cho rằng việc mong muốn được kinh doanh bình thường trở lại là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đang mong mỏi, nhất là lĩnh vực F&B (lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống).

Ông Ẩn cho biết, chuỗi trà sữa Gong Cha đã chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa bán bình thường trở lại, từ nhân sự, nguyên vật liệu chế biến cho đến các điều kiện an toàn phòng dịch COVID-19 cũng như có các kịch bản ứng phó cho từng giai đoạn cụ thể.

"Về cơ bản ngay từ làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên chúng tôi đã có những kịch bản ứng phó cụ thể. Do đo với đợt dịch này, dù đóng cửa trong một thời gian dài, song tính tới thời điểm hiện tại về cơ bản nhân sự đã đủ, nguyên vật liệu đã sẵn sàng" - ông Ẩn nhấn mạnh.

Theo ông Ẩn, việc bán mang đi cũng là một tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp F&B, song không thể nào giúp các cơ sở kinh doanh tồn tại được mãi.

"Với tình hình hiện tại, Gong Cha dù đón nhận lượt đặt hàng cao, song chỉ mới bắt đầu ghi nhận nguồn thu sau nhiều tháng đóng cửa. Các chi phí này cũng chỉ san sẻ phần nào cho các chi phí mặt bằng, nhân sự trong tháng, chứ chưa thể tạo ra những khoản lời cho doanh nghiệp"- vị này cho biết.

Tương tự, đại diện một chuỗi nhà hàng chuyên các món nướng cho biết, dưới sức ép về tài chính phải chi trả trong tháng, một doanh nghiệp có nguồn thu phụ thuộc hoàn toàn vào khách ăn uống tại chỗ như đơn vị này thì việc mở cửa là điều đáng mong chờ nhất.

"TP.HCM cho phép bán mang đi nhưng một nhà hàng có đặc thù là món nướng tại chỗ như chúng tôi thì không thể bán mang đi được. Do đó tôi mong muốn TP.HCM nhanh chóng cho phép việc bán tại chỗ và có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp nắm và hoạt động, tránh tình trạng đóng-mở như thời gian vừa qua"

Vị này cho biết, nếu cứ kéo dài tình trạng chỉ cho bán mang đi hoặc vẫn tạm dừng một số lĩnh vực kinh doanh như hiện nay, ngành F&B sẽ phải chứng kiến sự ra đi của rất nhiều doanh nghiệp từ tên tuổi đến các đơn vị kinh doanh cá nhân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của TP.

Ở góc độ dịch tễ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng thành phố đã có thể mở lại tất cả hoạt động, bao gồm các dịch vụ giải trí trong không gian kín, miễn là kiểm soát được nhân viên và khách hàng ở những nơi này.

"Để mở cửa trở lại thì toàn bộ nhân viên, khách hàng chỉ cần có thẻ xanh và tuân thủ 5K, đặc biệt là khai báo y tế đầy đủ để dễ dàng truy vết khi xảy ra F0. Bên cạnh đó TP có thể áp dụng trách nhiệm lên các cơ sở kinh doanh, nếu để xảy ra ca bệnh lây nhiễm tại đây thì yêu cầu họ chi trả toàn bộ chi phí điều trị, chăm sóc" - bác sĩ Trương Hữu Khanh kiến nghị.

Mặc dù được bán mang đi, song các doanh nghiệp F&B vẫn mong mỏi được đón khách tại chỗ trở lại. Ảnh: Trường Giang

Mở cửa bán bình thường trở lại: Mong nhưng vẫn nhiều lo lắng 

Mặc dù mong muốn được phục vụ khách hàng tại chỗ trở lại song theo Gong Cha để mở cửa tất cả các chi nhánh bán hàng trở lại bình thường thì doanh nghiệp này còn khá dè dặt.

"Quan điểm của chúng tôi là chậm mà chắc, Gong Cha chỉ mở cửa hoạt động bình thường trở lại khi mọi thứ đã đảm bảo an toàn và quyết định của UBND TP đã chắc chắn. Bởi trên thực tế nếu như vì quá vội vàng mà mở cửa lại, vận hành được chuỗi đi vào hoạt động ổn định mà phải một lần nữa đóng cửa vì dịch thì thiệt hại còn nhiều hơn là chỉ bán mang đi"- đại diện Gong Cha nói.

Đồng thời, vị này cho biết thêm, doanh nghiệp đề cao sự an toàn cho khách hàng và nhân viên bởi nó quyết định đến tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với Gong Cha, đại diện hệ thống Hàng Dương quán cũng chia sẻ, dù hiện tại hệ thống vẫn đang bán mang đi song nếu như TP.HCM cho phép đón khách tại chỗ dù chỉ 50% công suất thì đơn vị này cũng chỉ mở từ từ để thăm dò tình hình.

"Tôi mong chờ ngày được mở cửa phục vụ tại chỗ dù cũng khá phập phồng lo lắng bởi lỡ cho mở cửa, nhà hàng nhập hàng vài trăm triệu nguyên liệu về để bán xong thì có lệnh đóng cửa lại không biết phải xoay sở ra sao. Do đó tôi rất mong TP cho nhà hàng mở cửa phục vụ tại chỗ thì không thể bắt tái đóng..."- vị này nói.

Cũng theo vị này, một khó khăn mà các doanh nghiệp như ông dù mong chờ nhưng dè dặt trong chuyện mở cửa là nguồn nhân sự đáp ứng đầy đủ các quy định an toàn phòng dịch của TP.

"100 nhân viên của hệ thống chúng tôi đã về quê và chưa quay lại thành phố.  Bên cạnh đó, số nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi chỉ chiếm khoảng 20%. Do đó chuyện khát nhân sự sau dịch là điều mà doanh nghiệp nên tính toán khi được phép mở cửa hoạt động bình thường trở lại"- vị đại diện nói.

Vừa qua, Sở Công Thương TP.HCM có đề xuất gửi UBND TP kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP được mở cửa hoạt động bình thường, tức được tổ chức hoạt động bao gồm cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu. Các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21 giờ, với công suất phục vụ tối đa 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2 m.

Theo đó, các điều kiện của các cơ sở này hoạt động là phải đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Trước đó, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng kiến nghị cùng nội dung trên. 

Những kiến nghị này đang mang lại nhiều hi vọng cho các doanh nghiệp F&B tại TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm