Chủ tịch Phú Yên: Thấy vị đắng trên gương mặt nông dân trồng mía

“Chúng tôi thấy vị đắng trên gương mặt của những nông dân, của nhà máy sản xuất đường, tuy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất và chấp nhận lỗ. Chúng tôi cũng thấy vị đắng của những lãnh đạo địa phương khi nguồn thu ngân sách trông cậy chính vào cây mía.”

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ như vậy khi phát biểu khai mạc hội thảo “Để mía không đắng” do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp báo Người Lao Động tổ chức ngày 10-11.

Hội thảo "Để mía không đắng" diễn ra trực tiếp tại Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ NN&PTNT, Công Thương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhiều cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực mía đường cùng một số nông dân trồng mía.

Hội thảo tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cùng hai phiên “Thực trạng của ngành mía đường hiện nay” và “Giải pháp phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh ngành mía đường”.

Hiệu quả cây mía không còn như trước

Theo ông Trần Hữu Thế, Phú Yên là vùng trồng mía lớn của cả nước với hơn 29.000 ha, có trên 20.000 hộ gia đình tham gia trồng mía. Cây mía đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn Phú Yên. Tuy nhiên, giá mía đường xuống thấp đã làm hiệu quả của cây mía không như trước.

Hiện còn nhiều tồn tại trong việc phát triển cây mía như vùng nguyên liệu chưa được tập trung bài bản, hạn chế về tưới tiêu, giống... đã khiến ngành mía thật sự không còn ngọt.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (thứ hai từ trái sang) và ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động (bìa trái) đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: TẤN LỘC

Ông Thế kêu gọi, ghi nhận sự tham vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia, từ thực tiễn người trồng mía để xây dựng chính sách địa phương cho ngành mía đường phát triển.

Từ đó, giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, có lời; nhà máy đường yên tâm sản xuất, hàng bán được, thu hồi được vốn, có lãi; chính quyền yên tâm với ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội

Ông Võ Văn Út, nông dân ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết ông trồng mía đã nhiều năm, nhiều nông dân mua được xe hơi nhờ cây mía. Từ năm 2015, ông cũng như nhiều người trồng mía điêu đứng vì thiên tai, hạn hán, giá quá thấp.

Ông Út đề nghị nhà nước tiếp tục rà soát đường Thái Lan tránh thuế bằng việc đi đường vòng qua các nước, đổ về Việt Nam với giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng thời, hỗ trợ điện nội đồng để thuận lợi tưới tiêu giữa bối cảnh giá xăng dầu cao. Cùng với đó sửa sang lại đập thủy lợi, đảm bảo đủ nước. Ông Út cũng kiến nghị nhà nước kiểm soát giá phân bón bởi hiện giá phân bón tăng quá cao.

Trong khi đó, ông Võ Hữu Lân, nông dân ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa kiến nghị nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân khi cây mía gặp thiên tai, lũ lụt, mất mùa.

Ngành trồng mía ngày càng được cơ giới hóa. Ảnh: QH

Nhiều giải pháp phát triển đồng mía lớn

Theo TS Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, trong ba niên vụ gần đây, diện tích mía đường tại vùng Nam Trung Bộ suy giảm rõ rệt. Nguyên nhân là giá mía xuống đáy, thấp nhất chỉ còn 10 cent/pao.

Chính phủ đã ban hành Chỉ thị nâng cao năng lực ngành mía đường trong nước với các nhóm giải pháp về cơ giới hóa, giống, giảm giá thành, phát triển cánh đồng mía lớn.

TS Đương cho rằng giải pháp phục hồi, phát triển ngành đường cần tập trung khâu trồng mới đúng kỹ thuật, cơ giới hóa trong canh tác mía để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả.

Đặc biệt quan trọng là công tác quản lý. Hiện có công nghệ để áp dụng vào khâu quản lý để tiết giảm các chi phí quản lý máy móc, con người, khâu thu hoạch.

Nếu thay sức người bằng trí tuệ nhân tạo, giải pháp công nghệ, cảm biến... để giám sát khâu chăm sóc thì sẽ càng tiết giảm được chi phí.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trồng mía. Ảnh: QH

Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhận định để phát triển ngành mía đường cần xây dựng thị thường đường lành mạnh, phát triển hài hòa.

Muốn bảo đảm năng lực cạnh tranh của cây mía Phú Yên phải xác định hiện trạng đất đai, thổ nhưỡng trong tương lai sẽ phải thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng giải pháp đầu tiên và căn bản nhất là phải hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nếu làm được điều đó, không chỉ mía mà các ngành khác cũng có sự vươn lên mạnh mẽ.

“Mong doanh nghiệp luôn trong trạng thái chủ động hiệp thương với bà con nông dân để có giá mía hợp lý, phân chia lợi nhuận phù hợp để họ yên tâm sản xuất, phục hồi diện tích trồng mía”- ông Toản nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm