'Cú thắng gấp ngừng xuất khẩu gạo làm mất cơ hội lớn'

Các đơn hàng xuất khẩu đang chạy của công ty phải dừng lại khi có quyết định tạm dừng xuất khẩu. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho rằng đây là cú phanh gấp gây bất ngờ cho nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Long, có thể hiểu bản chất của văn bản tạm dừng xuất khẩu gạo nằm ở góc độ an dân, ổn định tâm lý trước dịch COVID-19 nhưng quyết định vốn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong chuỗi giá trị lúa gạo cần có sự chỉ đạo kịp thời, nhất quán và có lộ trình rõ ràng.
Người Pháp bất ngờ tăng mua gạo thơm Việt
. Vậy tình hình xuất khẩu gạo của công ty ông từ đầu năm đến nay ra sao?
+ Ông Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi đang xuất khẩu khá tốt, đặc biệt là loại gạo 5% tấm và gạo thơm. Một điều đặc biệt trong những tháng cuối năm 2019 và qua đầu năm 2020, sản lượng gạo thơm tăng 200%-300% so với cùng kỳ.
Xưa giờ Gạo Việt tập trung vào thị trường Đông Âu, phần còn lại xuất khẩu sang một số nước châu Á như Philippines hay châu Phi. Nhưng năm nay chúng tôi lại xuất khẩu khá tốt sang Tây Âu như Pháp, đột nhiên nhu cầu tiêu thụ bên đó khá cao.
Tôi cũng không rõ tại sao lại có sự dịch chuyển này, có thể là họ mua chuyển sang nước nào đó nhưng cũng có thể chất lượng gạo Việt đã được công nhận.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt.

Thực tế, nhiều năm nay, chúng tôi liên kết với nông dân để sản xuất để trồng lúa có sản phẩm gạo theo đúng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Có nghĩa là các thị trường cao cấp cần gạo chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm toàn cầu đều được canh tác đúng như vậy.
Điều này nói lên được sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp buôn bán trên thị trường, cần giống lúa tốt hơn để tạo ra gạo chất lượng cung cấp cho phân khúc cao cấp chấp nhận giá cao và nông dân trồng đáp ứng cho điều đó.
. Ông đánh giá thế nào về thị trường xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch COVID-19?
+ Khó dự báo vì dịch bệnh đang làm đảo lộn mọi diễn biến về nguồn cầu, nguồn cung. Thực tế, mọi năm các cơ quan quốc tế cũng đã dự báo khá chính xác về thị trường, nhu cầu, nguồn cung nhưng đó là trong bối cảnh mọi hoạt động diễn ra bình thường.
Nhưng hiện dịch bệnh bùng phát nên nhu cầu có đột biến vì các nước mua về trữ phòng ngừa. Số lượng gạo tăng lên nhưng khả năng tiêu thụ không tăng tương ứng, vì mọi người cũng không thể ăn nhiều hơn nhu cầu của mình. Do đó các nước mua trữ xong qua dịch bệnh theo tôi dự đoán nguồn cầu mua sẽ chậm lại.
. Vậy đây là cơ hội bán giá cao?
+ Cơ hội xuất khẩu giá cao chưa biết nhưng bây giờ chưa có ai mua hàng công ty tôi với giá cao. Nhưng được cái giá gạo trong thị trường nội địa đang tăng lên nhờ thị trường các nước mua nhiều. Cái này nông dân hưởng lợi tốt nhất. Về phía doanh nghiệp, do giá mua nội địa cao, giá bán xuất khẩu không tăng nhiều nên phần lời thì cũng không nhiều hơn lắm đâu.
. Có sự khác biệt nào trong việc tạm dừng xuất khẩu gạo năm 2008 và năm nay?
+ Hai tình huống với hai bối cảnh khác nhau. Nếu năm 2008, thế giới rơi vào sự hoảng loạn một cách vô lý thiếu gạo nên đi vét để mua thì năm 2020 không phải nằm trạng thái đó, mà do dịch bệnh tạo ra nhu cầu ảo.
Vào năm 2008, tôi biết nhiều doanh nghiệp ôm gạo để chờ giá cao bán nhưng thị trường bùng lên trong hai tháng rồi xẹp nên nhiều ông chủ đã phá sản. Năm nay, liệu có người ôm vào không, cũng có thể nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng phán đoán và độ liều lĩnh để có bài toán kinh doanh xác đáng vì trong nguy bao giờ cũng có cơ hội.
. Liệu rằng trong tình hình dịch bệnh, gạo bị hút qua thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch?
+ Thực ra, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc thì gạo khó có khả năng qua Trung Quốc, vì mọi đường đi đều bị kiểm soát chặt chẽ trước đó để ngăn chặn dịch bệnh. Mặt khác, tiêu thụ nội địa đang tốt thì chở qua tiêu thụ Trung Quốc để làm gì để mang tiếng buôn lậu. Và nếu bán qua Trung Quốc có lời cao hơn một chút nhưng đồng nghĩa rủi ro cao hơn thì có đáng đánh đổi.

'Cú thắng gấp ngừng xuất khẩu gạo làm mất cơ hội lớn' ảnh 2
Vận chuyển lúa gạo tại ĐBSCL.

 Thái Lan xác định Việt Nam là đối thủ cạnh tranh lớn nhất
. Ông đánh giá thế nào về quyết định tạm dừng xuất khẩu? Liệu rằng người Thái nhân cơ hội này lấy khách hàng Việt Nam?
+ Theo lý thuyết, rõ ràng cú phanh gấp của lệnh tạm dừng chắc chắn là có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Vì các đơn hàng đang được thực hiện theo hợp đồng thì dừng đột ngột dẫn đến ách tắc các khâu và gây ra những thiệt hại. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến nông dân bán lúa, có thể đánh mất cơ hội mở rộng thị phần và các nước khác hưởng lợi bán giá cao do mất đi đối thủ cạnh tranh Việt Nam, chưa kể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với bạn hàng vì không giao hàng đúng tiến độ.
Tuy nhiên, các đối tác cũng sẽ chia sẻ, thông cảm xem như trường hợp bất khả kháng, sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu trở lại thì vẫn có thể kết nối lại với khách hàng.
Về phía đối thủ cạnh tranh Thái thì họ có hệ thống khách hàng riêng. Nhưng hiện nay như tôi biết, giá gạo Thái rất cao nên nhu cầu mua cũng ít. Chính bản thân người Thái cũng khẳng định họ sợ mất ngôi vị thứ hai vào tay Việt Nam vì chi phí sản xuất gạo Thái đang cao hơn Việt Nam một cách tương đối.
Họ cũng khẳng định rằng Việt Nam là đối thủ cạnh tranh lớn nhất chiếm lấy vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới mà Thái đang nắm giữ. Vì Việt Nam đang tiến rất nhanh về đa dạng các loại giống lúa gạo, đặc biệt là gạo thơm và gạo trắng. Hơn nữa, Việt Nam thành công hơn Thái khai thác thị trường gạo giá rẻ và thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường lớn và quan trọng như Trung Quốc, Hong Kong, Philippines và Malaysia.
Có thể nhân cơ hội này Thái Lan lấy khách hàng Việt Nam nhưng không thể nhanh hơn được đâu, vì kèm rất nhiều điều kiện sau đó khiến người Thái không thể đáp ứng trong một sớm một chiều, như loại gạo, giá cả, giao hàng…
hinh-nha-may-xuat-khau-gao

Gạo Việt Nam vẫn có hệ khách hàng riêng không lo Thái Lan "vượt mặt".

. Là người hàng chục năm trong nghề, vậy với tình trạng dịch bệnh, rồi hạn mặn, theo ông đã đến lúc định hình lại ngành lúa gạo và Việt Nam có theo đuổi mục tiêu là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới?
+ Từ lâu nông dân đã chuyển đổi trồng trọt theo tín hiệu thị trường. Bằng chứng là gạo cấp thấp đã giảm nhường chỗ cho loại cao cấp. Doanh nghiệp và nông dân bắt tay nhau kinh doanh để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
Vấn đề hiện nay câu chuyện người dân cần là Chính phủ cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ như độ mặn, hay làm việc với các nước đầu nguồn sông Mê Kông để đảm bảo nguồn nước tự nhiên,…
Phải làm như vụ Đông Xuân vừa qua, việc Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cùng doanh nghiệp kết nối chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với hạn mặn. Nhờ có thông tin chính xác, kịp thời nông dân gieo sạ sớm, thu hoạch sớm nhờ vậy diện tích lúa bị ảnh hưởng hạn mặn không lớn, vụ Đông Xuân mới trúng mùa, được giá, nguồn cung gạo mới đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Về câu chuyện Việt Nam muốn là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới cũng không nói lên điều gì, vì xuất khẩu nhiều nhưng chưa chắc đã có hiệu quả.
Tham vọng luôn phải gắn với hiệu quả. Chẳng hạn, xuất khẩu hàng triệu tấn, thu về lượng ngoại tệ nhưng lại bỏ quá nhiều ngoại tệ để nhập khẩu quá nhiều phân bón, chưa kể tốn kém nguồn nước thì có nên hay không.
. Xin cám ơn ông.
. Ở góc độ doanh nghiệp, ông sẵn sàng chia sẻ với Nhà nước trong tình hình hiện nay sao?
+ Các doanh nghiệp có nguồn lực đóng góp tiền cho công cuộc chống dịch bệnh của Nhà nước là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu không đóng góp bằng tiền hoàn toàn có thể chung tay với Nhà nước bằng nhiều cách.
Ở góc độ doanh nghiệp của tôi, trước hết người đứng đầu phải đảm bảo an sinh cho người lao động của mình trước. Lúc này doanh nghiệp có thể lỗ nhưng không sa thải nhân viên đẩy gánh nặng ra ngoài xã hội. Mà dùng nguồn lực đã tích lũy, tiền lời trước đây để đảm bảo thu nhập cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này, vì họ có thu nhập sẽ lo được cho gia đình cũng là cách chung tay với cộng đồng.
Đồng thời, thay đổi lại chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới, như  tập trung vào làm cho thị trường nội địa. Đồng thời, tiết giảm chi phí, bố trí lại nhân sự, ai làm việc trực tuyến cho làm ở nhà để bảo vệ bản thân họ cũng như tránh lây lan dịch bệnh. Ngay cả việc chỉ cần biết giữ sức khỏe cho mình, giữ sự lạc quan là một sự đóng góp không nhỏ.
Và nhiều doanh nghiệp cùng làm như vậy sẽ tạo ra sự lan tỏa tích cực, tránh gây bất an cho xã hội và Nhà nước bớt đi nhiều nỗi lo để tập trung vào phòng, chống dịch bệnh để nhanh chóng đưa mọi thứ trở lại như trước.
 
Nóng: Chính thức đề xuất Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại
 Nóng: Chính thức đề xuất Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại
(PLO)- Lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp (DN) hơn 1,6 triệu tấn, thay mặt đoàn kiểm tra, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm