Doanh nhân đừng 'chém gió' khi lo chưa tốt cho gia đình!

Sáng 25-6, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019. Chủ đề của diễn đàn là “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.

Nhiều doanh nhân tham dự diễn đàn đã chia sẻ những khó khăn, mong ước, kỳ vọng doanh nghiệp gia đình sẽ lớn mạnh, đóng góp vào thịnh vượng quốc gia. Ngoài phần phát biểu đề dẫn đã được sắp xếp trước, các doanh nhân đều được dành cho bảy phút để chia sẻ.

Gần kết thúc những tâm sự của mình, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông nói: “Tôi ước mơ nông dân Việt Nam mỗi người phải thu nhập thấp nhất phải 60 triệu/năm. Như thế thì đất nước mới thịnh vượng”.

Ông Nguyễn Hồng Phong nói ông mong ước mỗi người dân Việt Nam phải có thu nhập thấp nhất là 60 triệu/năm.

Ông Phong cho hay, ông đã nghiên cứu và thấy rằng: Hiện nay trong số hơn 90 triệu dân Việt Nam có những người thu nhập không nổi 10 triệu/năm. Những người đó đang sống dưới mức nghèo đói.

Theo ông Phong, trách nhiệm, bổn phận của doanh nhân, trước hết lo cho gia đình mình, công ty mình. “Tôi không đồng tình nhiều doanh nhân chưa lo tốt cho gia đình mình, công ty mình mà toàn lên diễn đàn chém gió rồi đi làm từ thiện”, ông Phong nói.

Ông Phong, người được giao chức vụ Giám đốc công ty Cổ phần nông nghiệp Tiến Nông lúc mới 22 tuổi. Ông nói: “Điều này đã vừa tạo áp lực vừa là cơ hội để tôi khẳng định bản thân và trau dồi kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường”. Ông Phong thậm chí còn nhớ rõ thời điểm lúc phải lên gặp Chủ tịch tỉnh để xin giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân là ngày 4-1-1995.

Về vấn đề chuẩn bị việc chuyển giao, kế nghiệp, ông Phong chỉ thực sự nhận thấy tầm quan trọng khi năm 2016 ông bị ốm nặng gần một tháng. Lúc ông ốm, mọi hoạt động của công ty gần như bị “đình trệ”, doanh nghiệp như “rắn mất đầu”. Và ông Phong nhận ra rằng: việc chuẩn bị người kế nghiệp là hết sức quan trọng.

Ông Phong chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động với phương châm “muôn sự là của chung, hơn nhau một chữ đi cùng”. Điều này khiến cho mọi thành viên trong Tiến Nông thấy được trách nhiệm chung và làm việc bằng sự nhiệt huyết của mỗi cá nhân, vì Tiến Nông không phải công ty của riêng ai”.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido…

“Thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước”, ông Lộc nói.

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói: “Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi mong muốn rằng, quá trình chuyển gia kế nghiệp trong các công ty gia đình làm thế nào được càng lâu càng tốt, làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại được hàng trăm năm”.

Để đạt được điều này, theo ông Hiếu, vấn đề chuyển giao kế nghiệp là rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp gia đình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm