Ngày 16-2, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin đăng cai Năm du lịch quốc gia năm 2023.
Theo đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Thuận luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, trong thời gian qua tỉnh đã tập trung khai thác hiệu quả những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (nắng, gió, đồi cát, bãi biển đẹp, sông, hồ, thác) gắn với nền văn hóa đa dạng, phong phú về lễ hội, đa dạng về làng nghề truyền thống để phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng.
Bãi biển Mũi Né luôn chật cứng du khách. Ảnh: PHƯƠNG NAMBình Thuận đã nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận gắn với các sự kiện quốc tế, quốc gia thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện như: Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA, Festival Thuyền buồm quốc tế, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam, Cuộc thi Hoa hậu Đại dương, Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”.
Tỉnh cũng đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, xây dựng quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng khẳng định nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng. Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện toàn tỉnh có 594 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 17.587 phòng, chưa tính khoảng gần 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch, tăng 25,3% so với năm 2017.
Ngoài ra, có khoảng 400 cơ sở ăn uống, mua sắm và các dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí khác. Lao động trong toàn ngành du lịch tại Bình Thuận hiện có khoảng 22.300 người, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch đạt khoảng 70% - 80%.
Địa danh Phan Thiết - Mũi Né đã trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, được nhiều tạp chí có uy tín bình chọn, công nhận là điểm đến lý tưởng. Đặc biệt, Khu du lịch Mũi Né đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành du lịch khi lượng khách và doanh thu sụt giảm, Bình Thuận vẫn là một trong những điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn.
Trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần, lượng du khách đến Bình Thuận ước đạt trên 75.000 lượt, nhiều dự án du lịch có quy mô lớn đang hoạt động kinh doanh như: Centara Mirage Resort Mui Ne (5 sao), Sân gold PGA Novaworld, Sea Links Beach Hotel, Anantara MuiNe Beach Resort &Spa, Princess d' Ân Nam Resort.
Bên cạnh đó, còn có các dự án, tổ hợp có quy mô lớn đang xây dựng, sắp hoàn thành như Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Novaworld Phan Thiết, Khách sạn Boton Mũi Né... Tỉnh đang tập trung xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, đường trục ven biển kết nối các điểm du lịch ven biển với các đô thị, tạo sự thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế Bình Thuận nói chung.
Song song đó, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đoạn đi qua địa bàn tỉnh vào cuối năm 2022 và các tuyến quốc lộ qua tỉnh (QL 28, QL 28B, QL 55...).
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng sớm hoàn tất thủ tục đầu tư để triển khai thi công xây dựng công trình Cảng hàng không Phan Thiết.
Từ những phân tích trên, đến năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã đáp ứng đủ các điều kiện để tổ chức tốt năm du lịch quốc gia. Để tạo điều kiện để giúp cho du lịch Bình Thuận ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế trên bản đồ du lịch cả nước và quốc tế, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét thống nhất chủ trương cho phép tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận Hội tụ xanh.