Ngày 16-10 mở tour du lịch khép kín TP.HCM-Củ Chi-Tây Ninh

Ngày 14-10, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến “Phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới".

Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng

Theo lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, Tổ chức du lịch thế giới đánh giá dịch COVID-19 đã đưa ngành du lịch quay lại thời điểm 30 năm trước đây.

Dịch tác động sâu rộng đến ngành du lịch Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có, nhiều DN buộc chuyển đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự, tạm đóng cửa dừng hoạt động…

Năm 2020 có 400/2.500 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% DN đóng cửa. Sang năm 2021 DN du lịch vẫn hết sức khó khăn và hiện nay 35% DN lữ hành nội địa và quốc tế xin thu hồi giấy phép.

Công suất buồng phòng cơ sở lưu trú trong sáu tháng đầu năm 2021 dưới 10%. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng. Qua đó, cho thấy  bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch rất ảm đạm.

Ở góc độ DN, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel cho biết hàng không và du lịch bị thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất.

Theo ông Duy, mảng kinh doanh du lịch đã thật sự chạm đáy. Trong 2019, DN phục vụ gần một triệu lượt, doanh thu xấp xỉ 7.000 tỉ đồng, năm 2020 phục vụ 250 ngàn khách, doanh thu 1.600 tỉ đồng.

Đến năm 2021 dự kiến doanh thu chỉ đạt 10% so với năm 2019. Kết quả này đã kéo Vietravel quay lại kết quả kinh doanh 10 năm trước.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, thống kê 62 ngàn lao động trong ngành du lịch của tỉnh chỉ còn 56 ngàn người đang lao động trực tiếp. Một lượng lớn người lao động du lịch phải nghỉ việc hoặc chuyển sang các ngành khác.

Điều khiến các DN du lịch lo nhất là mở cửa ra nếu không quản lý, không quản trị được sẽ phải đóng cửa tiếp, càng khó khăn cho DN.

Ông Thuỷ dẫn chứng năm 2020 ngành du lịch triển khai chiến dịch kích cầu quy mô lớn nhưng ngày 24-7 vướng dịch bệnh, đến cuối năm triển khai kích cầu thì ngày 27-1-2021 tiếp tục vướng dịch.

Một số doanh nghiệp du lịch TP.HCM hiện đã bán tour đến vùng xanh Cần Giờ, Củ Chi

Các địa phương cần sớm đón khách ngoại tỉnh

Theo ông Duy, đầu tháng 10 xuất hiện tín hiệu tích cực là TP.HCM và các tỉnh đã mở cửa du lịch đón khách nội tỉnh. Hàng không cũng thử nghiệm mở các chuyến bay nội địa, Phú Quốc có kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế từ giữa tháng 11.

Trước tín hiệu tích cực trên, công ty chủ động xây dựng sản phẩm du lịch an toàn. Các địa phương mở đến đâu công ty chủ động có sản phẩm du lịch an toàn đến đó.

Đối với TP.HCM, trước mắt công ty tập trung vào các tour ở vùng xanh như Cần Giờ, Củ Chi. Ngoài ra, chủ động đã làm việc với các địa phương có điểm đến được du khách TP yêu thích để khi điều kiện cho phép, DN sẵn sàng có sản phẩm đáp ứng.

Việc mở cửa đón khách nội tỉnh là bước đầu để khách hàng bước ra khỏi sự sợ hãi sau dịch. Tuy nhiên, để du lịch thật sự quay lại phát triển, mở cửa du lịch liên vùng, liên ngành là điều kiện tiên quyết.

“Chúng tôi mong các địa phương sớm mở cửa đón khách ngoại tỉnh và thống nhất tiêu chí an toàn để tạo thuận lợi cho các công ty du lịch cũng như khách du lịch” - ông Duy nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP nhận thức cần nhanh chóng kết nối với các tỉnh và vừa qua đã làm việc với tỉnh Tây Ninh, đề nghị mở tour du lịch khép kín TP.HCM-địa đạo Củ Chi-núi Bà Đen.

Hai bên thống nhất và tour này sẽ được tổ chức vào ngày 16-10. Tuần sau TP.HCM tiếp tục xúc tiến các tỉnh miền Trung.

Theo bà Thắng, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine mũi hai của người TP trên 18 tuổi đạt 74%. Vì vậy, điều kiện an toàn của người dân đi du lịch tương đối đảm bảo, các địa phương mạnh dạn đón tiếp.

"Từ nay đến năm 2022 các DN du lịch, cơ sở dịch vụ ăn uống phải tập thích ứng dần. Chúng tôi làm việc với lãnh đạo các điạ phương đưa ra và thống nhất tiêu chí để vừa đảm bảo phòng chống dịch nhưng cũng tạo tâm lý thoải mái cho người dân đi du lịch" - bà Thắng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm