Liên minh châu Âu (EU) là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ xếp thứ nhất, sau đó là EU và Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, nhưng lượng hàng hóa mới chỉ chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU nên cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của ta như dệt may, giày dép, nông sản, gỗ...
Sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam sẽ vượt Trung Quốc
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong số các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào EU thì hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế khá lớn khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thực thi (EVFTA).
Theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm. Ảnh: QH
"Với EVFTA, dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh... Tuy nhiên so với Campuchia, Bangladesh... chúng ta lại có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm" - ông Hải cho biết.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay Campuchia, Bangladesh, Pakistan đều có lợi thế về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Campuchia, Bangladesh được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (chương trình Everything but Arms - Miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí). Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+.
Việt Nam mặc dù cũng được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan GSP nhưng chỉ là GSP tiêu chuẩn ở mức 9,6%. Do đó việc áp dụng các chế độ ưu đãi thuế quan kể trên giúp các quốc gia được hưởng lợi này có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với Việt Nam.
Theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm.
Trong đó, các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào nguyên liệu và sản phẩm may mặc như đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, quần áo mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng, găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse...
Đáng chú ý, sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam đang được hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Do vậy trong thời gian này, doanh nghiệp có thể lựa chọn chương trình nào có mức thuế ưu đãi hơn để áp dụng.
Thách thức về quy tắc xuất xứ
Có vấn đề khá lo ngại đối với dệt may Việt Nam nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA đó là phải tuân thủ quy tắc xuất xứ trong hiệp định này.
Quy tắc xuất xứ trong EVFTA tương đối chặt với yêu cầu về xuất xứ phải từ vải trở đi. Nghĩa là vải nguyên liệu dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể theo quy định tại hiệp định.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá: "Đây là thách thức không nhỏ của ngành dệt may Việt Nam do hiện nay ngành vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu từ nước ngoài, chưa chủ động được nguồn cung trong nước".
Hiện điểm tựa lớn nhất để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi là được sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc, là quốc gia đã có Hiệp định thương mại tự do với EU, để cắt may tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nhập khẩu vải từ Hàn Quốc chưa cao mà doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên nhập vải từ Trung Quốc vì giá thành thấp hơn, vị trí gần Việt Nam nên dễ vận chuyển và mẫu mã phong phú.
Vậy giải pháp đưa ra là gì? Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng không còn cách nào khác là Chính phủ cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan.
"Trước mắt cần thu hút và cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, nhất là các dự án có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện môi trường. Để phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ có vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành và các địa phương trong phát triển từng ngành, từng sản phẩm công nghiệp để hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu" - ông Hải nói.