Ngày 22-2, thông tin với PLO, ông Vũ Việt Anh-Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết đã kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Số lượng nông sản được tiêu thụ gồm hơn 250 tấn rau, củ, quả; 20 ngàn con gà thịt, hơn 10 vạn trứng gia cầm.
"Đây là số lượng nông sản mà Sở đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ được trong ngày 21-2. Hiện số lượng đơn hàng đặt vẫn đang tăng lên, chủ yếu là đi thị trường Hà Nội" - ông Việt Anh cho biết.
Nông sản Hải Dương chuẩn bị chở ra Hà Nội tiêu thụ. Ảnh: CTV
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cũng cho biết hiện toàn tỉnh còn hơn 4 ngàn tấn rau củ, gần 700 ngàn con gà cần tiêu thụ. Ngoài ra còn khoảng 40 ngàn tấn hành để bán khô và sấy, không quá lo ngại.
"Nếu các tỉnh khác cũng tạo điều kiện như Hà Nội thì chỉ cần thời gian ngắn là tiêu thụ hết. Đặc biệt, nếu Hải Phòng thông thoáng như Hà Nội thì 30 ngàn tấn cà rốt sẽ được xuất khẩu thuận lợi" - ông Việt Anh chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16-2, Bộ đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group; Vincommerce, BRG Retail, MM Mega Market… để thu mua nông sản từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Đến thời điểm này, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương để tiêu thụ trong hệ thống với số lượng khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần.
Siêu thị MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương. Đơn vị này đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam.
Hệ thống Vinmart đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.
Bộ Công Thương cũng đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.