Tối ngày 14-2, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp.
Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods, kiều bào Thái Lan, Phó Ban liên lạc kiều bào Lào, Thái Lan tại TP.HCM cho biết: dù đã có hơn 10 năm đưa nước mắm truyền thống Việt Nam ra thế giới nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
Đến tháng 4-2020 nước mắm truyền thống Mami Việt Nam ở vị trí số 1 bán chạy nhất trên Amazon, qua đó DN có quyền tự hào hàng Việt Nam có thể sánh vai với các nước trong khu vực như Thái Lan.
"Chúng tôi có tình yêu to lớn với nông nghiệp Việt Nam, nếu có cơ hội là chúng tôi xuất khẩu ngay. Bằng chứng là ngay đầu năm 2022, công ty đã đưa gạo Việt Nam sang Anh bằng máy bay. Nhiều người cho rằng nếu xuất khẩu gạo bằng đường máy bay cước phí rất tốn kém nhưng cơ hội đến chúng tôi phải làm ngay, không chần chừ được", ông Linh kể.
Kiều bào, cộng đồng doanh nghiệp Việt tại các đầu cầu cùng trao đổi ý kiến.
Theo ông Linh, nhiều năm qua được sự hỗ trợ của Bộ ban ngành, DN xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế giới được thuận lợi, thương hiệu Việt xuất hiện khắp thế giới.
Để tạo cơ hội cho các DN tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác cũng như để hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước, trong đó với xuất khẩu gạo, ông Linh kiến nghị các Bộ ban ngành hỗ trợ cho các công ty được phép xuất khẩu trực tiếp gạo cao cấp, quy mô nhỏ dưới 1.000 tấn không cần quota để tăng sức cạnh tranh.
Đồng thời chú ý xử lý khủng hoảng truyền thông để xuất khẩu DN không bị ảnh hưởng như bài học nhiễm Asen những năm trước. Bởi dù nước mắm sản xuất ở Phú Quốc, Phan Thiết… nhưng thời điểm đó xuất đi bị trả về vì đối tác nghĩ rằng các sản phẩm liên quan đều bị nhiễm Asen nên DN thiệt hại lớn.
"Hiện nay DN xuất khẩu gặp khó khăn về giá nguyên liệu tăng 15%-40%, phí dịch vụ logistics tăng cao gấp nhiều lần khiến các DN khá thận trọng trong nhận đơn hàng mới. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế đặc biệt cho các DN logistics, cắt giảm phí cầu đường giúp nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt”, ông Linh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc cho biết, những năm qua cộng đồng doanh nhân, DN người Việt ở nước ngoài tích cực thúc đẩy vai trò cầu nối cho các hoạt động đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam, xuất khẩu nông sản, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt ra nước ngoài.
Tuy nhiên hàng Việt sang các thị trường chưa tương xứng với tiềm năng kết nối của cộng đồng DN, doanh nhân và các hội đoàn, chuyên gia trí thức kiều bào nước ngoài.
Nước mắm truyền thống Việt Nam bán chạy nhất trên Amazon được người tiêu dùng Việt quan tâm
Để khắc phục những tồn tại trên, riêng Hiệp hội đề xuất cần tận dụng thế mạnh liên kết giữa DN Việt Nam-Hàn Quốc trong thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc và các thị trường khác qua các cửa ngỏ của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, DN Việt phối hợp, áp dụng khoa học công nghệ Hàn Quốc để thúc đẩy giá trị nông sản Việt Nam. Đơn cử, hàng năm quốc gia này tiêu dùng hàng chục tỷ USD cho cà phê nhưng đa số cà phê Việt Nam nhập sang Hàn Quốc chủ yếu dưới dạng thô.
"Chúng tôi tham gia nghiên cứu, trao đổi cùng Hội chuyên gia trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc; đối tác, các trường đại học, viện nghiên cứu Hàn Quốc…áp dụng một số kỹ thuật công nghệ vào trong quá trình sơ chế điều chế lại cà phê thô Việt Nam thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu Hàn Quốc.
Bước đầu trong tháng 5 vừa qua đã đạt được kết quả khả quan. Hy vọng năm 2022 tiếp tục chương trình này với đối tác Hàn Quốc để cà phê Việt Nam sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn, mang lại giá trị hơn tại Hàn Quốc", ông Linh nhấn mạnh.