Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, đã có buổi trao đổi khá thẳng thắn với PV sau loạt bài "Góc khuất ngành du lịch Đà Nẵng" mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh trước đó.
Xử lý nghiêm, không bao che
. Sở Du lịch TP đã có những biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng người Hàn Quốc (HQ) làm du lịch trái phép tại Đà Nẵng, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng liên ngành tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra tại các khu vực đông khách du lịch, trong đó có những nơi tập trung khách du lịch HQ. Anh em vào cuộc rất quyết liệt, lăn lộn, xâm nhập thực tế thu thập thông tin chứ không phải ngồi một chỗ. Tuy vậy, tới đây sẽ cố gắng đẩy mạnh hơn
Quan điểm của sở rất rõ ràng là xử lý nghiêm, không bao che cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm du lịch trái phép tại TP. Tuy nhiên, cái khó là lực lượng của mình còn hạn chế, dù rất cố gắng nhưng có thể là vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.
Trước đây việc xử phạt chủ yếu căn cứ vào Nghị định 158, xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Từ ngày 1-8, chúng ta có thêm Nghị định 45 xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó quy định rất chi tiết, cụ thể hành vi nào, phạt bao nhiêu. Không chỉ người nước ngoài tổ chức hoạt động HDV mà công ty sử dụng HDV cũng sẽ bị xử phạt.
Nếu triển khai Nghị định 45 này mạnh mẽ và quyết liệt thì chắc chắn góp phần tạo ra môi trường du lịch lành mạnh cho TP.
Thời gian qua, Công an TP đã vào cuộc rất quyết liệt, phát hiện, xử phạt nhiều đối tượng nhập cảnh vào VN rồi trốn ở lại để tổ chức các hoạt động kinh doanh trên địa bàn, không chỉ làm HDV mà còn đứng sau làm nhà hàng, spa. Đối với các tour 0 đồng, các đơn vị như Cục thuế, Quản lý thị trường đang nhắm vào việc thanh, kiểm tra các cửa hàng, vừa qua kiểm tra, xử phạt cũng nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng. Ảnh: HÀ HẢI
. Thế nhưng, có dư luận cho rằng Sở vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Tôi nghĩ việc tổ chức kiểm tra, xử phạt là việc làm thường xuyên, thậm chí chúng tôi chọn thời điểm cao điểm du lịch để ra quân triển khai. Tuy nhiên, lượng khách đến quá đông, việc ra quân chưa đáp ứng được, trước hết là về số lượng. Vì lực lượng thanh tra cũng chỉ có mấy người thôi, trong khi lượng khách và các hoạt động tăng rất nhanh. Mừng là vừa rồi Nghị định 45 đã mạnh mẽ hơn, quy định rất cụ thể và chúng ta căn cứ vào đây để xử phạt sẽ nhanh hơn.
Trước đây, khách TQ chỉ có khoảng năm, bảy trăm ngàn còn khách HQ đông hơn rất nhiều, cách kinh doanh của họ thiên về các giao dịch nội bộ, phức tạp hơn. Trước đó, chúng tôi cũng đã ra quân rồi nhưng giờ cán bộ du lịch TP đã có kinh nghiệm hơn nên tổ chức thực hiện, xử lý vụ việc nhanh hơn. Thanh tra sở và các đoàn kiểm tra liên ngành đã làm tốt hơn công việc của mình.
Hiện nay, nếu ngày nào phóng viên qua đây cũng sẽ thấy thanh tra sở làm việc với người vi phạm hết. Nào là phạt xe, hướng dẫn viên, các công ty không thực hiện đúng chương trình tour…
Tôi cũng xin chia sẻ thêm về việc xử phạt. Một vụ việc không phải gọi tới là xử phạt ngay được mà phải có bằng chứng, phải đấu tranh. Ví dụ như để phạt được HDV, chúng tôi phải đưa bằng chứng, phải đấu tranh... để họ tâm phục khẩu phục mà nhận.
Đối với các công ty chui thì càng phải có thời gian theo dõi mới tiến hành kiểm tra được. Các công ty này có thể đổi địa điểm liên tục nên khá khó khăn. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, chúng tôi đã nắm rất rõ thực trạng hoạt động du lịch hiện nay.
Một trong những vấn đề mà Sở cần giải quyết là bài toán về tốc độ tăng trưởng khách quá nhanh nhưng lực lượng chức năng hiện vẫn mỏng. Nhưng tín hiệu vui đối với chúng tôi là hiện nay khách HQ lẻ có xu hướng tăng nhanh hơn khách đoàn, các vấn đề đỡ phức tạp hơn.
. Một số lái xe, HDV nói rằng họ bắt gặp rất nhiều HDV người HQ tại điểm du lịch nhưng không thấy cơ quan chức năng đâu cả?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Chúng tôi có kiểm tra nhưng việc kiểm tra này được giữ bí mật. Đặc biệt việc kiểm tra, xử lý HDV chui phải có bằng chứng cụ thể thì họ mới nhận. Vì họ vẫn được phép làm trưởng đoàn hoặc làm phiên dịch nên mình phải chứng minh được hành vi của họ.
Cũng có khi chúng tôi đến kiểm tra trực tiếp tại địa điểm văn phòng, công ty có dấu hiệu vi phạm và thường là những hoạt động này rất bất ngờ đến lái xe, hướng dẫn viên cũng không thể biết được.
Qua báo, chúng tôi cũng xin được nói về mong muốn của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, mong các bạn HDV người Việt, nhất là HDV đang “ngồi đồng” có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để phát hiện ra các hành vi vi phạm.
Sẽ trích xuất dữ liệu camera để kiểm tra
. Sở có nắm và kiểm soát được các DN khai thác khách HQ hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Đà Nẵng hiện có khoản 40 công ty lữ hành VN khai thác thị trường khách HQ. Tất nhiên các công ty có quyền phối hợp nhưng tổ chức hoạt động có đúng quy định hay không lại là câu chuyện khác.
Đối với những công ty chui thì thông qua các đợt kiểm tra, nhất là trên lĩnh vực cư trú thì chúng tôi mới phát hiện được tình trạng hoạt động. Chúng tôi cũng có nhiều cách để nhận ra công ty chui như: kiểm tra xem giấy tờ, mục đích thuê phòng, thuê nhà... Nếu họ quá thời gian visa thì chắc chắn sẽ bị phạt vì vi phạm luật xuất nhập cảnh; còn nếu nói thuê để ở thì cơ quan chức năng cũng đặt dấu hỏi về mục đích để ở của họ.
Sở đã trực tiếp đi thực tế, phối hợp liên ngành kiểm tra nhưng các công ty chui này có thể liên lạc, giao dịch không trên văn bản giấy tờ mà ngầm hiểu với nhau hoặc sử dụng các ứng dụng công nghệ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Trưởng đoàn người Hàn Quốc đứng nói tại điểm du lịch tại Đà Nẵng.
. Có ý kiến cho rằng nếu TP siết chặt tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch TP, nhất là khi khách HQ đang chiếm tỉ lệ lớn?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Không hoàn toàn như thế. TP đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường khách, tất nhiên phải có thời gian chứ không phải kết quả có thể đến ngay được. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là hướng đến một nền du lịch bền vững, bài bản chứ không chạy theo số lượng.
Thực ra khách đông quá mà không chất lượng thì nguồn thu cũng không tốt, TP đang đa dạng hóa du khách theo hướng chất lượng hơn, mang lại nhiều nguồn thu cho TP.
. Đà Nẵng đã cho triển khai lắp camera trên xe du lịch để hạn chế người nước ngoài hướng dẫn trái phép. Đến nay hiệu quả của việc này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Bước đầu, các nhà xe phản ánh khá hiệu quả, việc lắp camera đã đảm bảo được vấn đề an ninh, an toàn cho khách, tránh mất cắp và quan sát được cả hành vi của lái xe, HDV trên xe. Nhờ đó mình có căn cứ để điều chỉnh, xử phạt nếu có vi phạm.
Chúng tôi đang phối hợp với Sở GTVT đề nghị khi cấp phù hiệu phục vụ du lịch thì phải yêu cầu lắp camera. Hiện nay, chúng ta mới chỉ khuyến khích thôi chứ chưa có quy định cụ thể bắt buộc các nhà xe đồng hành với mình.
. Nhưng giả sử nhà xe tiếp tay cho các hoạt động du lịch chui thì sao có thể biết được?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Trước nay, các nhà xe phối hợp với cơ quan chức năng tương đối tốt. Dĩ nhiên, khi Sở yêu cầu hỗ trợ thì các nhà xe mới trích xuất dữ liệu, chứ không phải nhà xe nào đến hẹn cũng nộp dữ liệu về cho Sở. Chúng tôi cũng đã cho trích xuất dữ liệu để phạt một số hành vi trên xe, nhất là trong thời gian cao điểm phát hiện người TQ hướng dẫn tại Đà Nẵng.
Ngay sau đợt này, chúng tôi sẽ cho trích xuất một số dữ liệu.
. Ông từng chia sẻ đội ngũ HDV nói tiếng Hàn quá ít, không đáp ứng nhu cầu do lượng khách HQ tăng nhanh. Vậy về lâu dài, Sở đã có kế hoạch phối hợp với các trường ĐH để đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường này chưa?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Chúng tôi không khuyến khích HDV các ngôn ngữ khác hướng dẫn khách HQ mà ưu tiên cho HDV tiếng Hàn dẫn khách. Số lượng HDV tiếng Hàn tại Đà Nẵng tăng trưởng khá tốt nhưng do lượng khách tới TP đông quá, chỉ có khoảng 160 người thôi nên không đáp ứng kịp.
Sở cũng đã phối hợp với ĐH Ngoại ngữ để tổ chức các buổi định hướng, tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, việc đào tạo phụ thuộc vào các trường và nguyện vọng của người học chứ không phải cứ thấy khách đến đông thì ào đi học tiếng Hàn. Mai mốt thị trường HQ sụt giảm thì các bạn sẽ làm cái gì. Việc này phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra mạnh hơn nữa. Ngoài thanh tra định kỳ, sở sẽ tổ chức các đợt thanh tra đột xuất tại các điểm du lịch. Dĩ nhiên, ngành du lịch cần sự hỗ trợ của các lực lượng liên quan.
Mỗi lần ra quân thì đoàn liên ngành đi cùng với nhau, phát hiện vi phạm là phối hợp xử lý ngay. Vừa rồi chúng tôi đã phát hiện một số đơn vị giao dịch ngoại tệ trái phép trên địa bàn và xử phạt rất nặng.