Mở cửa để tránh nguy cơ thiếu thịt heo, gà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu ra ách tắc vì giãn cách kéo dài, cộng thêm chi phí chăn nuôi tăng cao, giá bán lại quá rẻ, thậm chí không có người mua nên nhiều trang trại gà, heo tại thủ phủ chăn nuôi Đông Nam bộ không dám tái đàn. Tình trạng này đang khiến các cơ quan quản lý, chuyên gia lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt vào cuối năm và dịp tết Nguyên đán.

Mắt xích quan trọng nhất vẫn đóng cửa

Thông tin TP.HCM mở cửa trở lại đã giúp giá gà công nghiệp nhích lên nhưng các trại vẫn thua lỗ vì bán dưới giá thành. Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết sau thời gian dài giá thấp thê thảm, chỉ 6.000-7.000 đồng/kg
thì khoảng một tuần nay, giá gà công nghiệp đã nhích lên được khoảng 19.000 đồng/kg. Thế nhưng với mức giá này, người nuôi vẫn lỗ 10.000 đồng/kg, trung bình mỗi con gà xuất bán lỗ 25.000 đồng (loại 2,5 kg/con).

“Điều đáng buồn là dù giá lên nữa hay xuống lại thì cũng không bán được nhiều, đó là tình cảnh của các trang trại nuôi gà hiện nay. Bởi các nhà máy giết mổ - mắt xích quan trọng nhất của ngành chăn nuôi lại đang đóng cửa, nhà máy mở lại thì không có công nhân. Công suất một số nhà máy giết mổ đang hoạt động chỉ 30%-50% nên đầu ra vẫn ách tắc, gà tồn nhiều không bán được” - ông Quyết chia sẻ.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ ước tính lượng gà công nghiệp còn tồn ở các trại khu vực này khoảng 4-5 triệu con. Nguyên nhân do lượng gà tồn trước đây, cộng thêm lứa mới cũng chuẩn bị xuất bán vẫn tắc đầu ra. Đơn cử đàn gà công nghiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) đáng lẽ phải bán ra khoảng 240.000 con nhưng suốt thời gian dài không bán được con nào.

Nguy cơ thiếu thịt trong thời gian tới

Phía đơn vị cung cấp heo giống, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tám Do (Đồng Nai), thừa nhận hiện nay không còn bán heo giống nữa vì không có trại nào mua. Hiện trại heo của công ty phải lấy heo giống để nuôi heo thịt.

Theo ông Hậu, hằng năm, đây là thời điểm các trang trại mua heo con giống về nuôi để đến gần tết bán heo thịt. Thế nhưng, dù giá heo giống hiện nay xuống một nửa giá chỉ còn 1-1,1 triệu đồng/con (con khoảng 7 kg) cũng không có người mua.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thông tin: Lượng heo hơi mới chỉ tiêu thụ được khoảng 20%-30%. Trước thời điểm tháng 6-2021, TP.HCM tiêu thụ mỗi ngày khoảng 6.000-7.000 con heo nhưng những tháng giãn cách chỉ tiêu thụ khoảng 1.200 con/ngày. Tính sơ trong ba tháng qua, lượng heo tồn trong trại rất nhiều với hơn 300.000 con.

Nguy cơ thiếu trứng và thịt gia cầm vào cuối năm vì các hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn. Ảnh: QH

“Với giá heo hơi quanh quẩn mức 50.000 đồng/kg, dù hiện nay việc lưu thông hàng hóa đã tốt hơn nhưng có bán được thì người nuôi heo vẫn lỗ. Cộng với dịch tả heo châu Phi đang trở lại, người chăn nuôi rất dè chừng việc tái đàn. Tết còn vài tháng nữa, đáng lý giờ này các trại đang xúc tiến mạnh việc tái đàn nhưng thực tế lại rất im ắng” - ông Đoán nói.

Trong khi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ thì giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y lại liên tục leo thang. Theo một báo cáo của Tổ công tác 3430 (Bộ NN&PTNT), chi phí vận chuyển hàng vật tư, sản phẩm chăn nuôi tăng cao. Mức độ tiêu thụ giống giảm 30%-35% cùng với giá bán chạm đáy, dưới giá thành, có thời điểm chỉ khoảng 4.000-6.000 đồng/con gà giống một ngày tuổi.

Vì những lý do trên nên trang trại và hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thịt, trứng gia cầm… vào các tháng cuối năm.

Vẫn ồ ạt nhập thịt heo đông lạnh

Heo tại các trang trại đang ế nhưng thịt heo đông lạnh vẫn ồ ạt nhập về. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt hơn 95.400 tấn, trị giá 221 triệu USD. Con số này tăng 113% về lượng và tăng 108% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Mở cửa để doanh nghiệp sản xuất

Trước lo ngại khan hiếm sản phẩm thịt vào dịp cuối năm, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty Tám Do, nhận định có thể thiếu cục bộ vào một số thời điểm nhưng không quá lo ngại. Nguyên nhân do dịch bệnh khiến thu nhập của người dân giảm nên họ chi tiêu tiết kiệm, không mua thịt nhiều như mọi năm.

“Tuy nhiên, để tránh nguy cơ thiếu thịt thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là cho phép các nhà máy giết mổ mở cửa trở lại và hoạt động ổn định. Khi đó, đầu ra sẽ tốt hơn và người chăn nuôi sẽ tái đàn. Đồng thời, heo thịt sẽ ra chợ nhiều hơn, người tiêu dùng được mua thịt heo giá rẻ hơn so với hiện nay” - ông Hậu nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết cũng cho rằng: Giải pháp cấp bách quan trọng nhất hiện nay là cho mở cửa trở lại các nhà máy giết mổ, chợ đầu mối, các chợ truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông vận chuyển, tiêm đủ liều vaccine cho công nhân các nhà máy... Còn các trang trại cũng phải tự cứu mình bằng cách giãn đàn ra để giảm đàn, giảm thua lỗ.

“Thay vì trước đây một năm nuôi năm lứa gà thì giờ giãn ra nuôi chỉ khoảng ba lứa. Ví dụ: Trứng gà mà đẻ đến đâu lấy ấp để nuôi như trước đây thì càng lỗ đậm. Vì vậy, một số trang trại đã chuyển số trứng này sang trứng thương phẩm, chủ động giãn đàn rồi” - ông Quyết dẫn chứng.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thì đánh giá dịch tả heo châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát, vì vậy các hộ chăn nuôi cần tái đàn theo mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. “Các trang trại cần chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi” - ông Đoán nhấn mạnh.

Thiếu vốn để tái sản xuất, kinh doanh

Theo một báo cáo mới đây của Tổ công tác 3430 (Bộ NN&PTNT), phần lớn công ty sản xuất gia cầm giống và sản xuất trứng đều gặp khó khăn do thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng khó khăn. Lượng vốn ước tính hiện nay của các công ty chăn nuôi gia cầm cần khoảng 800-1.000 tỉ đồng để đáo nợ và duy trì sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổ công tác 3430 kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, giảm thuế suất nhập khẩu ngô hạt từ 5% xuống 3%; lúa mì từ 3% xuống 0% nhằm góp phần giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước.

Kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm. Xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp, có chính sách tín dụng hỗ trợ người sản xuất chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm