Ngành tôm Việt Nam hướng đến kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ USD

Ngày 14-4, Hội nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp với Tổng Cục Thủy sản tổ chức Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021 (VietShrimp 2021) với chủ đề “Đích đến bền vững” tại TP Cần Thơ.

Nhiều người đến triển lãm để tìm hiểu về những công nghệ mới trong ngành tôm. Ảnh: NHẪN NAM

Hội chợ kéo dài đến ngày 16-4-2021, với gần 200 gian hàng của gần 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản.

Cùng với việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ của các doanh nghiệp VietShrimp 2021 còn có các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp có tâm và có tầm…

Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho rằng TP Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản.

Trên địa bàn TP có trên 50 công ty xuất nhập khẩu thủy sản, giá trị xuất khẩu năm 2020 trên 700 triệu USD/năm. Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của TP đạt khoảng 9.000 ha với tổng sản lượng khoảng 220.000 tấn.

Gần 150 doanh nghiệp tham gia triển lãm công nghệ ngành tôm lần này. Ảnh: NHẪN NAM

Theo ông Hè, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao đang ngày một phát triển trên cả nước, nhất là tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL trong đó có Cần Thơ. Đây cũng là vấn đề được TP Cần Thơ rất quan tâm và tạo điều kiện đầu tư phát triển, với mục tiêu hướng đến một ngành hàng phát triển hiệu quả và bền vững.

Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng nhấn mạnh đến vai trò của ngành thủy sản trong trục chiến lược của ngành kinh tế tại khu vực ĐBSCL, nhất là con tôm – một đối tượng chủ lực trong phát triển của ngành thủy sản. Chính vì vậy con tôm đã thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế.

Triển lãm lần này là cơ hội để giới thiệu công nghệ, cơ hội để cập nhật kiến thức kỹ thuật, thông tin thị trường, tìm kiếm những sản phẩm dịch vụ, công nghệ tốt nhất để phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại vùng ĐBSCL và cả nước.

Từ đó tạo động lực để các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nghề nuôi tôm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, ngày một khẳng định vị thế của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy hiện cả nước có hơn 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao. Ttrong đó, tập trung nhiều nhất là tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích khoảng 186.000 ha. Hai địa phương này được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Năm 2021, toàn ngành đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm