Phí tin nhắn ngân hàng tăng sốc, khách hàng kêu trời

Mấy ngày gần đây, nhiều khách hàng bức xúc cho biết việc hàng loạt ngân hàng tăng phí thông báo tin nhắn số dư SMS Banking theo bậc thang, cao gấp 5-7 lần so với trước đây khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Gánh nặng phí lại đè lên vai người tiêu dùng

Nhiều khách hàng của Ngân hàng Vietcombank cho biết mới đây bị ngân hàng trừ phí dịch vụ SMS Banking tháng 1 với số tiền tăng hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể, nếu trước đây mức phí SMS Banking chỉ 11.000 đồng/tháng thì nay tăng sốc lên tới 55.000 đồng/tháng hoặc 77.000 đồng/tháng, tức tăng 5-7 lần so với mức cũ.

Không chỉ Ngân hàng Vietcombank mà hàng loạt ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng phí SMS Banking. Đơn cử tại Ngân hàng BIDV, với khách hàng nhận 16-50 tin nhắn/tháng sẽ bị thu phí 33.000 đồng/tháng, 51-100 tin nhắn/tháng sẽ bị thu phí 60.500 đồng/tháng và từ 101 tin nhắn trở lên sẽ bị thu phí 77.000 đồng/tháng.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng thu phí dịch vụ SMS Banking. Ảnh: T.LINH

Như vậy, với khách hàng sử dụng dịch vụ thông báo tin nhắn thay đổi số dư qua điện thoại của các ngân hàng Vietcombank, BIDV thì mức phí cao nhất có thể lên tới 924.000 đồng/năm. Riêng tại Ngân hàng Techcombank, phí tin nhắn SMS Banking còn khủng hơn. Chẳng hạn khách hàng nhận 31-60 tin nhắn/tháng sẽ có mức phí 44.000 đồng/tháng, còn đối với ai nhận từ 61 tin nhắn thông báo biến động số dư trở lên sẽ chịu mức phí lên đến 82.500 đồng/tháng.

Điều này đồng nghĩa với những khách hàng cá nhân hằng tháng có số lượng giao dịch chuyển tiền, nhận tiền… trên 61 lần thì chỉ riêng loại phí này đã tốn tới gần 1 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, trong khi mức phí tin nhắn SMS Banking thay đổi số dư của các ngân hàng BIDV, Vietcombank đang là 785 đồng/tin nhắn thì Ngân hàng Techombank thu của khách hàng tới 1.352 đồng/tin nhắn SMS Banking. Đây là mức phí không hề nhỏ, nhất là với công nhân hay người lao động thu nhập thấp.

Khách hàng có thể kiểm soát chi tiêu, biến động số dư... bằng ứng dụng mà không mất phí dịch vụ. Ảnh: MINH HOÀNG

Khách hàng hủy dịch vụ vì phí quá cao

Chị Thanh Tuyền (nhà ở quận 9, TP.HCM) cho biết lâu nay Ngân hàng Vietcombank gửi thông báo thu phí tin nhắn SMS Banking chỉ 11.000 đồng/tháng. Thế nhưng ngày 19-2 vừa qua, mức thu tăng lên 55.000 đồng/tháng. “Vẫn biết ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ đầu tư thì phải thu phí nhưng thu tới mức như vậy thì quá cao” - chị Tuyền nhận xét.

Anh Minh Long (một khách hàng ở quận Tân Bình, TP.HCM) nêu quan điểm: SMS Banking là dịch vụ ngân hàng rất phổ biến, được đông đảo khách hàng sử dụng. Bởi thông qua tin nhắn SMS Banking, khách hàng có thể theo dõi được số dư tài khoản, chi tiêu thẻ, kịp thời phát hiện khi giao dịch bị lỗi, nhận thông báo tiền gốc hay lãi vay… từ ngân hàng.

“Vì vậy, dù khách hàng được miễn một số loại phí ngân hàng số nhưng phí nhận tin nhắn lại tăng gấp nhiều lần nên tính ra người tiêu dùng vẫn bị thiệt” - anh Long nói.

Chính vì bị thu phí “cắt cổ”, hàng loạt người tiêu dùng đang tính toán hủy dịch vụ SMS Banking hoặc chuyển sang phương thức nhận thông báo số dư trên ứng dụng ngân hàng số để giảm thiệt thòi. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng miễn phí 100% trên ứng dụng này.

Đơn cử Ngân hàng Agribank miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng 100% mà không cần số dư tối thiểu. Song mỗi tháng khách hàng chỉ sử dụng dịch vụ ngân hàng số của Agribank vẫn phải nộp 25.000 đồng.

Cách hay để tiết kiệm chi phí

Để tiết kiệm chi phí hằng tháng, khách hàng có thể thay thế dịch vụ SMS chủ động bằng cách chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng số. Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí và vẫn hỗ trợ đầy đủ thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, các thông tin dịch vụ…

Ví dụ: Để hủy dịch vụ SMS chủ động của Ngân hàng Vietcombank, khách hàng soạn tin nhắn VCB CD HUY gửi tới đầu số 6167. Tiếp theo, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng VCB Digibank thông qua Google Play hoặc App Store, sau đó đăng nhập bằng số điện thoại tương ứng.

Tại giao diện chính của ứng dụng, khách hàng hãy chuyển sang mục “Xem thêm” ở góc phải bên dưới, sau đó chọn “Quản lý thông báo - Nhận thông báo” từ ngân hàng (miễn phí). Lúc này ngân hàng sẽ gửi mã OTP về số điện thoại, khách hàng chỉ cần nhập lại vào ứng dụng để hoàn tất việc kích hoạt.

MINH HOÀNG 

Ngân hàng nói gì?

Đại diện Ngân hàng Vietcombank giải thích đơn vị này đã gửi tin nhắn thông báo về việc thay đổi chính sách tính phí SMS Banking áp dụng từ ngày 1-1 tới từng khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng. Từ đó để khách hàng nắm thông tin và chủ động lựa chọn dịch vụ thông báo số dư phù hợp với nhu cầu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Vietcombank cũng lưu ý với người tiêu dùng về cách thay thế SMS chủ động, tiết kiệm chi phí là đăng ký tính năng OTT Alert ngay trên VCB Digibank. “Từ năm 2022, chúng tôi đã miễn hoàn toàn các loại phí chuyển tiền, phí duy trì dịch vụ, phí quản lý tài khoản trên VCB Digibank” - đại diện Ngân hàng Vietcombank thông tin thêm.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn khác thì lý giải: Trong năm 2021, ngân hàng này đã phải chi trả gần 1.000 tỉ đồng cho chi phí gửi SMS Banking, trong đó hơn 70% cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Như vậy, chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỉ đồng.

“Nói thật ngân hàng đã bỏ hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư các loại máy móc, thiết bị, cộng thêm với việc áp dụng chính sách miễn phí hàng loạt dịch vụ, miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng vô điều kiện…, nên giờ đây chúng tôi không thể nào gánh thêm cả chi phí tin nhắn nữa. Mức phí biến động số dư qua SMS Banking mà chúng tôi thu thực chất chỉ là thu hộ, chứ không thu thêm bất cứ đồng nào của khách hàng” - vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Một số ngân hàng khác thì cho rằng quyết định điều chỉnh cách tính phí dịch vụ SMS Banking vì các nhà mạng thu cước tin nhắn SMS quá cao. Theo đó, để gửi tin nhắn đến người dùng, các ngân hàng phải mua dịch vụ gửi SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường. Có nghĩa là các ngân hàng phải tăng phí dịch vụ tin nhắn với khách hàng để bù lỗ và khách hàng là người lãnh đủ.

Các bên phải ngồi lại bàn cách giảm phí cho khách hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp ba lần so với tin nhắn thông thường. Cụ thể hiện nay MobiFone, VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel hiện thu 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Vietnam Mobile, Beeline thu 280-400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.

Trong khi đó, tin nhắn giữa các cá nhân chỉ ở mức 250-300 đồng/tin nhắn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: Hiện một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15-20 triệu tin nhắn/tháng, tổ chức tín dụng quy mô lớn phát sinh khoảng 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Với mức giá cước các nhà mạng đang thu rất cao như trên, trong khi các tổ chức tín dụng đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán ngân hàng số cho khách hàng nên buộc phải bù lỗ cho chi phí cước dịch vụ viễn thông.

“Quả thật là chính sách tăng thu phí SMS Banking ảnh hưởng rất nặng nề đến những người buôn bán nhỏ lẻ, công nhân… đang chọn hình thức thông báo số dư qua điện thoại. Nhưng nói gì thì nói, ngân hàng cũng là khách hàng của các công ty viễn thông và phải chịu cước phí cao gấp ba lần so với cước phí tin nhắn thông thường nên việc yêu cầu họ miễn phí hoàn toàn là điều khó khả thi. Nói cách khác, nếu miễn phí cho khách hàng thì các tổ chức tín dụng cũng không thể gánh được cước phí của nhà mạng thu” - ông Hùng nói.

Chính vì vậy, ông Hùng cho hay Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị với Bộ TT&TT và các tổ chức tín dụng cũng đã kiến nghị với các nhà mạng viễn thông xem xét, điều chỉnh lại cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cho phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là một giải pháp để giảm chi phí cho người dân.

 “Các tổ chức tín dụng và các nhà mạng cần thống nhất với nhau về quan điểm, cách làm, từ đó đưa ra mức phí dịch vụ phù hợp, giảm gánh nặng cho khách hàng” - ông Hùng nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm