Sáp nhập hụt, Tiki và Sendo 'đường ai nấy đi'

Theo thông tin đăng tải trên tờ Deal Street Asia, thương vụ sáp nhập giữa hai trang thương mại điện tử (TMĐT) Tiki và Sendo đã bị hủy bỏ.

Một nguồn tin của tờ này tiết lộ, có một số cổ đông không đồng ý với các điều khoản sáp nhập, vì vậy cuộc thỏa thuận về chung nhà đã bị tạm ngưng vô thời hạn.

Một nguồn tin khác của Deal Street Asia lại cho rằng, nguyên nhân khác khiến cuộc sáp nhập trở thành công cốc là do những tác động từ dịch COVID-19, khi mà tình hình kinh doanh giữa hai doanh nghiệp ngày càng khác biệt.

Cuộc sáp nhập giữa Tiki và Sendo đã phải tạm ngưng vô thời hạn. Ảnh: Internet

"Các điều khoản sáp nhập đã được đồng ý dựa vào tình hình trước đại dịch. Trong dịch COVID-19, tỉ lệ sáp nhập đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Tiki nhưng các nhà đầu tư của công ty cảm thấy rằng thỏa thuận này không tạo ra bất kỳ ý nghĩa chiến lược nào cho công ty này" - nguồn tin cho biết thêm.

Trước khi thương vụ đổ bể, Deal Street Asia cho hay Tiki và Sendo đã đang ở giai đoạn tiến triển tốt để đi đến thỏa thuận. Họ thậm chí đã tiến đến thỏa thuận về đội ngũ nhân sự và hệ thống gồm cả việc sẽ chuyển nhân viên Sendo vào văn phòng của Tiki. Thậm chí theo nguồn tin trên, các nhà sáng lập của hai công ty đã rất "thích thú" trước thương vụ này.

Trước đó, sau khi thông tin về cuộc sáp nhập được rò rĩ ít lâu, trên sàn TMĐT Sendo đã xuất hiện gian hàng riêng của Tiki, càng đặt ra nghi vấn việc sáp nhập này là có căn cứ. Mặc dù đại diện hai sàn TMĐT này cho biết đây chỉ đơn thuần là cuộc hợp tác kinh doanh.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, những cổ đông chính ở Tiki, bao gồm cả VNG đã nhìn nhận rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tác động tiêu cực đến lợi thế chiếc lược cho thương vụ. Do đó, thương vụ đã phải "ngủ yên" trên bàn đàm phán. Hiện cả hai sàn Tiki và Sendo đều từ chối bình luận về cuộc sáp nhập hụt này.

Theo ghi nhận, dù rò rỉ thông tin về chung nhà đã diễn ra khá lâu nhưng cả hai sàn TMĐT Tiki và Sendo vẫn liên tục tăng vốn điều lệ và kêu gọi các nhà đầu tư để bù đắp những khoản lỗ khổng lồ ngày càng lớn lên của mình. Đây được đánh giá là động thái không thường thấy nếu như hai bên thực sự muốn đi đến việc hợp nhất.

Trước đó, thông tin Tiki và Sendo về chung một nhà được giới chuyên gia nhận định sẽ tạo nên luồng gió mạnh, cạnh tranh với các đối thủ như Lazada và Shopee.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, từng nhận định rằng nếu hai doanh nghiệp này sáp nhập sẽ tạo nên một doanh nghiệp nội đủ năng lực tầm vóc để cạnh tranh đường dài với các đối thủ ngoại cực kỳ mạnh như Lazada và Shopee.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trường hợp sáp nhập này rất khó xảy ra bởi tính riêng phương thức kinh doanh, đội ngũ của hai doanh nghiệp lớn này, việc sáp nhập không phải dễ dàng. Có chăng, có thể là một doanh nghiệp lớn nào đó đứng ra đưa hai sàn này về chung một nhà.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cho vay ngang hàng: Lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

Cho vay ngang hàng: Lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

(PLO)- Chính phủ đã chính thức cho phép thử nghiệm có kiểm soát hoạt động cho vay ngang hàng trong lĩnh vực ngân hàng, tuy nhiên lãi suất thế nào là hợp lý, rồi cơ chế bảo vệ tài sản cho người cho vay như thế nào là điều cần phải tính đến

Giá dừa trái tăng cao kỷ lục, vì sao?

Giá dừa trái tăng cao kỷ lục, vì sao?

(PLO)- Do tác động của thời tiết khiến sản lượng dừa giảm, trong khi nhu cầu của thế giới cao, đã tác động tới giá dừa tăng cao trong nước.

‘Miếng bánh’ trăm tỷ đô thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp nội tăng tốc

‘Miếng bánh’ trăm tỷ đô thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp nội tăng tốc

(PLO)- Năm 2025 đánh dấu giai đoạn tăng tốc của chuỗi bán lẻ WinCommerce (WCM), đơn vị vận hành hệ thống WinMart/WinMart+/WiN. Sau khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong năm 2024, WCM tiếp tục thúc đẩy chiến lược mở rộng quy mô và hiện đại hóa thị trường bán lẻ, với trọng tâm đặc biệt vào khu vực nông thôn – nơi chiếm hơn 60% dân số Việt Nam và đang có tốc độ chuyển dịch tiêu dùng nhanh chóng.