Tác động từ khủng hoảng Ukraine đến giá vàng, xăng… Việt Nam

 Video: Tác động từ khủng hoảng Ukraine đến giá vàng, xăng… Việt Nam

Cuộc chiến leo thang tại Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam (VN) trong ngắn hạn. Nhưng trong trung và dài hạn, VN vẫn được đánh giá tăng trưởng ổn định, thậm chí GDP có thể đạt 7,5% trong năm nay.

Giá vàng dự báo sẽ còn biến động khó lường do khủng hoảng tại Ukraine. Trong ảnh: Người dân lựa vàng tại một cửa hàng ở TP.HCM. Ảnh: THÙY LINH

Nỗi lo giá xăng dầu tăng cao

Ngay khi có thông tin Nga tấn công quân sự Ukraine, giá dầu thô đã nhanh chóng thiết lập mức giá kỷ lục kể từ năm 2014: Trên 102 USD/thùng. Hiện giá xăng tại thị trường trong nước đã vượt mốc 26.000 đồng/lít. Như vậy, với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang duy trì trên 100 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm VN có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI Research, nhận định giá xăng tăng mạnh sẽ tác động tiêu cực cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của những gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đang thực hiện trong năm nay.

“Ngoài ra, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa khác, từ đó sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, còn thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này khiến cho tiến trình phục hồi kinh tế bị chậm lại” - ông Hưng phân tích.

Một số chuyên gia khác thì nhìn nhận giá dầu thô tăng cao vừa tác động tích cực vừa tác động tiêu cực tới kinh tế VN nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn. Ở mặt tích cực, giá dầu thô tăng giúp thu ngân sách và các khoản thu thuế từ xăng dầu tăng. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy thu từ dầu thô tháng 1-2022 ước tính đạt 3.900 tỉ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Số thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu trong thời gian này cũng tăng gần 17%. Nhiều công ty ngành dầu khí cũng hưởng lợi từ giá dầu thô tăng.

Ở chiều ngược lại, giá dầu thô lẫn giá thành phẩm xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế và đời sống người dân. Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Vì thế, việc giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng không ngừng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước.

Một mối lo khác là khi giá dầu thô vượt mốc 100 USD/thùng sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp, nhất là ngành vận tải và ngành sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên, nhiên liệu đầu vào, từ đó đẩy giá thành sản phẩm leo thang, tạo áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao, người dân sẽ cắt giảm một phần chi tiêu, làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

 

Dùng công cụ thuế, phí

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhìn nhận giá xăng dầu tiếp tục leo thang và giá dầu thô đạt 100 USD/thùng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế.

“Nếu giá dầu thế giới vẫn leo thang, trong khi công cụ điều hành là Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn thì liên bộ Công Thương - Tài chính có thể sẽ phải tính tới công cụ khác là thuế, phí” - ông Đông nói.

Giá vàng nhảy múa loạn xạ

Giá vàng thế giới tăng dựng đứng đã tác động mạnh mẽ lên thị trường vàng VN. Ngày 24-2, có thời điểm giá vàng SJC lên tới 67,5 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Đến sáng qua, kim loại quý này lao xuống 66 triệu đồng/lượng nhưng đến chiều cùng ngày lại tạo đỉnh mới với giá bán ra gần chạm mốc 67 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng biến động mạnh kiểu “đi tàu lượn siêu tốc” chủ yếu xuất phát từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang. Giới đầu tư bắt đầu lo sợ và tìm đến vàng để gia tăng sự bảo vệ tài sản trong những thời điểm đầy bất định, chưa kể yếu tố lạm phát. Theo thông lệ, những bất ổn liên quan đến chính trị, chiến tranh sẽ khiến giá vàng neo ở mức cao.

Điều đáng lo ngại hơn, cứ mỗi bước tăng giá vàng thế giới đã đẩy giá vàng trong nước leo lên các mốc kỷ lục mới và ngày càng cách ly giá vàng thế giới. Hiện nay giá vàng SJC đắt hơn thế giới tới 13 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên đến gần 14 triệu đồng/lượng.

“Do vàng miếng SJC đang độc quyền nên sẽ tiếp tục neo cao dù giá vàng thế giới có đi ngang hay giảm nhẹ. Kết hợp nguồn cung hạn hẹp, giá vàng trong nước sẽ còn vượt các mốc giá cao hơn, nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro” - chuyên gia tài chính Trần Đình Phương phân tích.

Chứng khoán, tỉ giá chỉ biến động nhất thời

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá căng thẳng địa chính trị Nga và Ukraine không ảnh hưởng nhiều đến tỉ giá. Nguyên nhân là trong nhiều năm qua, VN liên tục xuất siêu cùng với việc thu hút khá nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp tiền đồng giữ giá trị tốt.

Mặt khác, VN hiện có khoảng 100 tỉ USD dự trữ ngoại hối, cao hơn khoảng 10% so với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Do đó, VN không dễ bị tổn thương về tiền tệ trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Với thị trường chứng khoán Việt, ông Hải cho rằng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều trước chứng khoán toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Đơn cử trong phiên giao dịch ngày 24-2, có thời điểm chứng khoán lao dốc gần 37 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường hồi phục và chỉ mất hơn 17 điểm.

 “Chứng khoán Việt vẫn tăng trưởng tốt do triển vọng kinh tế khá sáng sủa, dòng vốn mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, cùng với đó là sự phục hồi kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Với các điều kiện này, thị trường chứng khoán Việt sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm nay” - ông Hải nhận định.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích chứng khoán Yuanta VN, nhấn mạnh cuộc chiến tại Ukraine chỉ có tác động đến tâm lý là chính đối với chứng khoán trong nước. Song về cơ bản, diễn biến thị trường trong nước vẫn có điểm sáng, không diễn ra tình trạng bán tháo hàng loạt, đặc biệt là thanh khoản tăng mạnh. Có điều nền kinh tế trong nước có thể chịu tác động của lạm phát khi giá dầu lên quá cao và trầm trọng hơn nếu cuộc chiến kéo dài.•

 

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho rằng dù có nhiều biến động ngắn hạn bởi căng thẳng địa chính trị nhưng trong dài hạn, kinh tế VN vẫn tăng trưởng ổn định. Điều này nhờ vào nhiều yếu tố như dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy mạnh vào VN, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ. Chẳng hạn gói 5 tỉ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng, gói 2,9 tỉ USD cho việc cắt giảm thuế giá trị hay khoản trợ cấp lãi suất ước tính 1,7 tỉ USD…

“Sự kết hợp giữa sự phục hồi tiêu dùng trong nước và gói kích thích tài khóa 4% GDP của Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của VN sẽ đạt 7%-7,5% trong năm nay” - ông Michael Kokalari đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm