Việt Nam lên kế hoạch đề phòng châu chấu sa mạc xâm nhập

Ngày 13-3, Bộ NN&PTNT có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình dịch châu chấu sa mạc đang bùng phát tại một số quốc gia Trung Đông, châu Phi, Nam Á và đề xuất kế hoạch ứng phó của Việt Nam.

Báo cáo dẫn thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết dịch châu chấu sa mạc bắt nguồn từ tháng 5, 6-2019 tại Yemen, Ả Rập Xê Út, tây nam Iran. Từ đó đến nay, dịch lan sang hầu hết các nước châu Phi và một số nước thuộc khu vực Nam Á.

Châu chấu sa mạc đang hoành hành tại Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

FAO đánh giá, dịch châu chấu tại Đông Phi hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 13 km/giờ. Dừng chân tại chỗ nào, chúng tàn phá cây trồng, đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng không. Nếu không được kiểm soát, FAO lo ngại có thể đe dọa an ninh lương thực cho khoảng 13 triệu người.

Lo ngại dịch châu chấu có thể di cư đến Trung Quốc và kế đến là Việt Nam, ngày 24-2, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã liên hệ với cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Thương mại Trung Quốc để tìm hiểu tình hình.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết khả năng châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại tới Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận là rất thấp. Nguyên nhân vì dịch châu chấu tại Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với Trung Quốc đã được dập.

Cạnh đó, trên đường xâm nhập thì đàn châu chấu này sẽ gặp rào cản tự nhiên là dãy núi Hymalaya có độ cao và nhiệt độ không khí lạnh. Đồng thời, điều kiện khí hậu thời tiết tại Trung Quốc và Việt Nam cũng không thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của loài này.

Dịch châu chấu tại Đông Phi hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Ảnh: BBC

Đánh giá của FAO và Trung Quốc là như vậy nhưng trước sự bùng phát và lây lan nhanh tại châu Phi như hiện nay, nhất là sự biến đổi khó lường của khí hậu những năm gần đây, Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại của các loài dịch hại di cư như châu chấu tre lưng vàng, sâu keo mùa thu nên Bộ NN&PTNT cho rằng vẫn cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó.

Kế hoạch sơ bộ như sau: Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh chủ động giám sát từ xa, cảnh báo sớm. Trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự để phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển. 

Lên kế hoạch tổ chức chống dịch cụ thể khi đàn châu chấu mới xâm nhập và trường hợp châu chấu xâm nhập, đẻ trứng. Trong trường hợp dịch trên diện rộng, Thủ tướng sẽ chỉ đạo chống dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm