Gửi đơn tới Pháp Luật TP.HCM, hai ông Nguyễn Văn Hồ và Nguyễn Văn Đúng (ngụ huyện Châu Thành, Tiền Giang) trình bày trước đây có cho vợ chồng ông HTV mượn tiền nhưng không đòi được nên hai ông phải khởi kiện vợ chồng ông V. ra tòa.
Sau nửa năm mới ngăn chặn
Tháng 6-2014, TAND huyện Châu Thành (Tiền Giang) lần lượt xử sơ thẩm, tuyên buộc vợ chồng ông V. phải trả cho ông Hồ hơn 460 triệu đồng, trả cho ông Đúng hơn 260 triệu đồng và sáu lượng vàng SJC. Ngoài ra, trong một số bản án khác, vợ chồng ông V. còn bị tòa buộc phải trả nợ cho nhiều người. Tổng số tiền mà vợ chồng ông V. phải trả cho các chủ nợ (kể cả ông Hồ, ông Đúng) là khoảng 1 tỉ đồng.
Sau khi hai bản án của ông Hồ, ông Đúng có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Châu Thành đã tổ chức THA theo yêu cầu của hai ông.
Tháng 6-2014, Phòng TN&MT huyện có công văn cung cấp thông tin cho Chi cục THA dân sự huyện là vợ chồng ông V. đứng tên năm thửa đất, trong đó có bốn thửa đang thế chấp ngân hàng vay tiền. Nhận được thông tin này, chấp hành viên (CHV) lại không tiến hành kê biên ngay năm thửa đất của vợ chồng ông V. Do đó, tháng 9-2014, vợ chồng ông V. đã kịp bán bốn thửa đất thế chấp ngân hàng.
Mãi tới nửa năm sau (tháng 1-2015), CHV mới tiến hành kê biên thửa đất còn lại (rộng hơn 360 m2) của vợ chồng ông V. Bất ngờ, lúc này xuất hiện vợ chồng ông LVT tranh chấp rằng vợ chồng ông V. đã bán giấy tay thửa đất này cho họ từ năm 2009. Vì vậy, Chi cục THA dân sự huyện phải tạm hoãn THA để chờ phán quyết của tòa về tranh chấp trên.
Ban đầu TAND huyện Châu Thành bác đơn kiện của vợ chồng ông LVT, không công nhận việc mua bán đất giấy tay. Thế nhưng tháng 6-2017, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, công nhận thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông LVT.
Ông Hồ (phải) và ông Đúng (trái) đang khiếu nại vụ việc khắp nơi. Ảnh: N.NGA
Bác đơn khiếu nại
Từ đó, việc THA cho ông Hồ, ông Đúng và những chủ nợ khác của vợ chồng ông V. gặp bế tắc do vợ chồng ông V. đã tẩu tán hết tài sản.
Ông Hồ, ông Đúng khiếu nại CHV và Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành không kịp thời ngăn chặn bốn thửa đất vợ chồng ông V. thế chấp ngân hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hai ông nhưng cả Chi cục THA dân sự huyện lẫn Cục THA dân sự tỉnh Tiền Giang đều bác đơn. Không đồng ý, ông Hồ và ông Đúng tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương.
“Nếu CHV và Chi cục THA huyện Châu Thành kịp thời ngăn chặn vợ chồng ông V. bán tài sản ngay từ đầu thì chúng tôi đã không phải vất vả ngược xuôi mấy năm nay” - ông Hồ bức xúc nói với PV.
Lý giải sai luật
Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ lãnh đạo Cục THA dân sự tỉnh Tiền Giang.
Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Tiền Giang Lê Anh Dũng thừa nhận việc Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành để tới tháng 1-2015 (tức nửa năm sau) mới kê biên thửa đất hơn 360 m2 còn lại của vợ chồng ông V. là chậm. Tuy nhiên, ông Dũng lý giải rằng “do luật không quy định bao nhiêu ngày phải tiến hành kê biên. Nguyên nhân khách quan là do lượng án quá nhiều”.
Cạnh đó, theo ông Dũng, Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành không ngăn chặn sớm bốn thửa đất vợ chồng ông V. thế chấp ngân hàng là bởi “không ai nghĩ thời điểm đó thửa đất hơn 360 m2 còn lại phát sinh tranh chấp. Lúc đó CHV ước tính tài sản này đủ để thi hành cho các bản án. CHV cũng chưa xác định được tài sản thế chấp ngân hàng có dư hay không và các đương sự cũng không có đơn yêu cầu kê biên”.
Tuy nhiên, theo cục trưởng Cục THA dân sự một tỉnh khác (đề nghị không nêu tên) và luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 69 Luật THA dân sự 2008 (luật áp dụng trong vụ THA này) quy định rất rõ trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, CHV ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải THA và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, CHV thực hiện việc kê biên tài sản.
Do đó, việc lãnh đạo Cục THA dân sự tỉnh Tiền Giang lấy lý do luật không quy định thời hạn bao lâu phải kê biên là không đúng. Mặt khác, lãnh đạo Cục THA dân sự lấy lý do án quá nhiều để chậm kê biên tới nửa năm lại càng không ổn vì luật đã quy định rõ thời hạn và không có ngoại lệ.
“Do thửa đất có diện tích hơn 360 m2 có tranh chấp với ông LVT thì CHV nên phối hợp ngay với ngân hàng để xác định giá trị của bốn thửa đất mà ông HTV đã bán vào tháng 9-2014. Từ đó CHV áp dụng Thông tư liên tịch số 14 /2010 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao để tiếp tục kê biên bốn thửa đất này nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông Hồ và ông Đúng” - luật sư Hoan phân tích.
Quy định liên quan Theo Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao (hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục THA dân sựvà phối hợp liên ngành trong THA dân sự), kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì CHV hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại tòa án để bảo vệquyền và lợi ích hợp pháp của mình... Cần thiết sẽ kiến nghị giám đốc thẩm Theo Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Tiền Giang Lê Anh Dũng, việc mua bán thửa đất hơn 360 m2 giữa vợ chồng ông LVT và vợ chồng ông V. chỉ làm giấy tay. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành đề nghị HĐXX bác đơn kiện của vợ chồng ông LVT, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được THA và HĐXX đã chấp nhận đề nghị này. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm lại phán quyết ngược lại. Nếu ông Hồ, ông Đúng có đơn yêu cầu, cơ quan THA sẽ nghiên cứu bản án phúc thẩm. Nếu thấy cần thiết, cơ quan THA sẽ kiến nghị giám đốc thẩm hủy bản án này. |