Ngày 5-10, ông Võ Ngọc, con trai ông Võ Tê, người bị kết oan giết người 43 năm trước, cho biết vào 10g sáng ngày 3-10, đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận đã mời ông đến trụ sở VKSND huyện Hàm Tân để trao quyết định giải quyết bồi thường.
Theo Quyết định giải quyết bồi thường do bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận ký ngày 2-10 thì ông Võ Ngọc (ngụ Tân Phúc, Hàm Tân, Bình Thuận) sẽ đại diện cho gia đình nhận tổng số tiền bồi thường hơn 1,94 tỉ đồng.
Trong đó thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút hơn 1,2 tỷ đồng; thiệt hại về vật chất khi người bị thiệt hại chết (chi phí mai táng) 40 triệu đồng; thiệt hại tinh thần của người bị oan 536 triệu đồng; cấp dưỡng cho 6 người con ông Võ Tê dưới 18 tuổi trong thời gian ông Võ Tê bị tạm giam: 97,5 triệu đồng; chi phí đi lại, gởi đơn thư, thăm gặp thân nhân: 33,3 triệu đồng.
Tổng số tiền trên sẽ được chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định giải quyết bồi thường nếu không đồng ý, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo khoản 2, Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo ông Võ Ngọc, gia đình sẽ họp lại và tính toán để đưa ra quyết định cuối cùng đối với số tiền bồi thường mà VKSND tỉnh Bình Thuận vừa đưa ra.
Như PLOđã đưa, hơn 40 năm trước, vào ngày 31-7-1980, bà Phan Thị Khanh (lúc đó 26 tuổi) từ nhà vào rẫy thu hoạch bắp nhưng đến chiều tối không về. Gia đình tìm kiếm thì phát hiện bà Khanh nằm chết ở đồi dốc gần rẫy bắp thuộc xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, cách quốc lộ 1A chỉ 7 m.
Một ngày sau, Công an huyện Hàm Tân khởi tố vụ án giết người, cướp của và bắt tạm giam ông Võ Tê. Trong khi đó, hung thủ thực sự của vụ án (sau này được xác định là Trương Đình Chi) sau khi giết bà Khanh để cướp 1,6 lượng vàng đã đón xe vào Hậu Giang lẩn trốn.
Sau 152 ngày bị bắt giam oan, ông Võ Tê được trả tự do. 13 năm sau ngày bị khởi tố, ông Võ Tê qua đời do bạo bệnh khi mới 62 tuổi vào năm 1994. Và đến khi chết, ông vẫn mang thân phận là bị can giết người.
Ngày 17-6-2022, sau khi bắt được hung thủ thực sự của vụ án, Công an và VKSND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai gia đình ông Võ Tê.
Trong hành trình lẩn trốn 41 năm của mình, Trương Đình Chi đã ba lần thay tên đổi họ, di chuyển qua nhiều tỉnh, thành. Đến tháng 11-2021, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an truy tìm, phát hiện hung thủ đang mở quán cơm tại xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, Phú Yên nên triệu tập làm việc.
Căn cứ vào các lời khai nhận tội của Trương Đình Chi và kết quả thực nghiệm điều tra và các tài liệu chứng cứ đã thu thập được đủ cơ sở xác định Trương Đình Chi phạm tội giết người, cướp tài sản xảy ra ngày 31-7-1980 tại Tân Minh, Hàm Tân.
Tuy nhiên, theo CQĐT, vụ án xảy ra hơn 41 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, kết quả tra cứu trong toàn quốc và xác minh tại các địa phương nơi Trương Đình Chi đã cư trú không có tiền án, tiền sự và phạm tội mới.
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 230 và khoản 5 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
Con trai nạn nhân làm đủ nghề để tìm hung thủ thực sự
Khi bà Khanh bị sát hại, anh Đỗ Thanh An (con bà Khanh) mới chỉ là một đứa trẻ (nay đã 50 tuổi). Đến khi lớn hơn, anh An tự thu thập, điều tra, bỏ ra hàng chục năm lần theo dấu vết hung thủ thực sự của vụ án và cung cấp cho công an nhiều nguồn tin có giá trị.
Anh An làm đủ nghề để mưu sinh như bán vé số dạo, phụ hồ, bưng bê, rửa chén. Từ Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, cho đến Đồng Nai, TP.HCM, Sóc Trăng…, đi tới đâu An cũng vừa làm mướn vừa nghe ngóng, quyết tâm tìm hung thủ.
Được biết, Cơ quan điều tra cũng đã mời anh Đỗ Thanh An lên làm việc về tang vật vụ án (1,6 lượng vàng) và các thủ tục bồi thường thiệt hại liên quan đến cái chết của mẹ mình.