Kỳ án kéo dài hai thập kỷ: Hàng loạt lời khai mâu thuẫn

Chiều 5-7, TAND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Đào Xuân Phương (37 tuổi, trú tại TP Thái Nguyên) về tội cố ý gây thương tích diễn ra với phần xét hỏi.

Đây là vụ án hy hữu khi có tới tám bản án và một quyết định từng được tuyên (bốn sơ thẩm, bốn phúc thẩm và một giám đốc thẩm) nhưng vẫn chưa xác định bị cáo có tội hay không. Đặc biệt, các tình tiết cho thấy vụ việc có dấu hiệu oan, từng được Pháp Luật TP.HCM phản ánh.

Đáng chú ý, LS bào chữa cho bị cáo đã đưa ra hàng loạt câu hỏi cũng như công bố các bút lục, cho thấy lời khai của bị hại cũng như nhân chứng có nhiều điểm mâu thuẫn.

Bị cáo Đào Xuân Phương tại tòa ngày 5-7

Lời khai bị hại và bị cáo “đá nhau”

Khai trước tòa, bị cáo Đào Xuân Phương khẳng định không hề cầm gạch ném bị hại Nguyễn Công Lương. Thời điểm nghe có người nói xe máy của mình bị đập phá, Phương chỉ nói chuyện với mẹ Lương rằng không làm gì nhưng tại sao lại đập phá xe của mình, bị cáo “sẽ báo công an” chứ không phải là “sẽ đập chết” như cáo trạng truy tố. Đến khi nhìn thấy xe không bị làm sao, Phương không bực tức hay chửi bới gì mà lấy xe rồi ra về.

Theo Phương, nguyên nhân dẫn đến vết thương của bị hại có thể xảy ra trong lúc xô xát với nhóm thanh niên hoặc bị ngã, còn do ai gây ra thì bị cáo không hề biết. Phương khẳng định lời khai của bị hại cũng như mẹ bị hại là hoàn toàn không chính xác. Bị cáo mong tòa xem xét bởi nhiều tình tiết trong hồ sơ vụ án mâu thuẫn với nhau.

“Nếu giả sử có việc bị cáo ném gạch, với khoảng cách giữa hai người chỉ là 3m, bị hại lại đang cầm hai con dao, đang rất hăng máu thì tại sao bị ném một viên gạch gây tổn thương tới 45% sức khỏe nhưng không kêu ca gì, không lao tới chém bị cáo” – Phương đặt câu hỏi.

Ngược lại, bị hại một lần nữa khẳng định bị Phương chửi bới vì cho rằng đập phá xe, sau đó cầm gạch chọi vào vùng mắt của mình khiến bị thương tích.

Cùng chung điểm này, mẹ của bị hại cũng khẳng định tại thời điểm xảy ra vụ án, khu vực có đèn điện sáng, bà nhìn thấy rõ nhóm thanh niên của Đỗ Ngọc Tuấn rồ ga, hô hào “nhà nó đây rồi, đánh chết nó đi”, sau đó con mình bị Phương ném gạch dẫn tới thương tích.

Trong khi đó, được mời lên trả lời, cả Tuấn và cha mình với tư cách người làm chứng đều khẳng định khu vực này không có điện sáng nên không thể nhìn rõ, càng không có chuyện các thanh niên hò hét như bản án sơ thẩm.

Đáng chú ý, tại phần xét hỏi của mình, LS Nguyễn Văn Thắng, người bào chữa cho bị cáo, đề nghị được hỏi bị hại cùng một loạt nhân chứng. Thế nhưng, khi ông Thắng đưa ra các câu hỏi về những lời khai ban đầu, phần lớn những người này đều phủ nhận chưa từng khai như vậy hoặc do lâu quá nên không nhớ gì. LS Thắng ngay sau đó công bố các bút lục tại hồ sơ để phản bác lại các lời khai này.

Điển hình là các bút lục cho thấy bị hại bị ngất tại chỗ, được mẹ dìu về…, mâu thuẫn với lời khai quay về nhà sau khi bị ném gạch tại tòa. Tuy nhiên, cả bị hại và mẹ của mình đều khẳng định không khai như vậy.

Tranh cãi vị trí chiếc xe máy

Tại tòa, nhiều câu hỏi cũng được đưa ra để làm rõ về điều kiện ánh sáng của khu vực xảy ra sự việc. Trong khi một số nhân chứng cho biết tại đây có bóng điện chiếu nên ánh sáng mạnh, có thể nhìn thấy rõ, một số thì lại khai rằng có khu vực nhìn rõ, có khu vực không.

HĐXX cũng công bố lời khai của một số nhân chứng vắng mặt, cho thấy có những lời khai khẳng định không nhìn thấy Lương bị đánh hay ném; cũng có lời khai cho rằng nhìn thấy một thanh niên ném gạch về phía Lương nhưng không biết trúng hay không,…

Đặc biệt, bị cáo Phương đề nghị HĐXX lưu ý về chi tiết chiếc xe máy của mình. Theo đó, thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo để xe máy ở khu vực chân dốc ngã tư tại hiện trường. Tuy nhiên, trong các lời khai cũng như diễn biến xét xử, bị hại nhiều lần nói rằng chiếc xe nằm ở khu vực ngã ba lưng chừng dốc, điều này là rất mâu thuẫn.

Ngay sau đó, chủ tọa ngắt lời bị cáo và nói rằng không có lời khai nào cho thấy chiếc xe máy ở ngã ba lưng chừng dốc. Liền đó, bị hại Lương được gọi lên và phủ nhận quan điểm của bị cáo.

Bất ngờ hơn, LS Nguyễn Văn Thắng công bố một sơ đồ hiện trường, trong đó có chữ kí của Vũ Ngọc Kiên. Thế nhưng, khi được LS gọi đến và xem sơ đồ, nhân chứng Kiên tỏ ra ngạc nhiên, không nhận ra khu vực thể hiện trên bản vẽ là ở đâu, không biết sơ đồ thể hiện vị trí nào, mặc dù chữ kí đúng là của mình.

Ngoài ra, vị LS này cũng đưa ra vấn đề tại sao gia đình bị hại lại phải chi số tiền hơn 2,3 triệu đồng để có kết quả giám định pháp y, bởi theo quy định, chi phí này sẽ do cơ quan trưng cầu giám định chi trả. Trả lời câu hỏi này, mẹ bị hại cho hay các khoản chi đã có đầy đủ hóa đơn và nộp cho tòa.

Chốt vấn đề trong phần xét hỏi, HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo cũng như bị hại. Trong khi bị cáo khẳng định mình không phạm tội, đề nghị tòa xem xét thấu đáo thì bị hại vẫn giữ nguyên quan điểm bị cáo là người gây ra thương tích cho mình.

Tòa tuyên bố phần tranh luận sẽ diễn ra vào sáng mai (6-7).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm