Ngày 5-7, TAND tỉnh Thái Nguyên mở lại phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Đào Xuân Phương (37 tuổi, trú tại TP Thái Nguyên) về tội cố ý gây thương tích. Bị hại là Nguyễn Công Lương (28 tuổi, trú cùng địa phương).
Đây là vụ án hy hữu khi có tới tám bản án và một quyết định từng được tuyên (bốn sơ thẩm, bốn phúc thẩm và một giám đốc thẩm) nhưng vẫn chưa xác định bị cáo có tội hay không. Đặc biệt, các tình tiết cho thấy vụ việc có dấu hiệu oan sai, từng được Pháp Luật TP.HCM phản ánh.
Bị cáo Đào Xuân Phương tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Kỳ án với tám bản án
Nội dung vụ án cho thấy tối 9-4-2008, tại một cửa hàng thẻ điện thoại ở phường Phú Xá (TP Thái Nguyên), Nguyễn Công Lương xảy ra xô xát với Đỗ Ngọc Tuấn là người cùng địa phương. Sau khi hai bên đánh nhau, Lương bỏ chạy về nhà, Tuấn cầm gạch ném theo nhưng không trúng.
Khoảng 22 giờ cùng ngày, Đào Xuân Phương nghe tin có đánh nhau nên đi xe tới cửa tiệm thẻ điện thoại và được Tuấn kể lại rằng bị Lương đánh chảy máu. Phương và một người bạn đề nghị Tuấn đến nhà nói chuyện “người lớn” với mẹ Lương. Nhóm của Tuấn đi trước, Lương đi xe máy theo sau.
Đến gần nhà Lương, nhóm Tuấn hò hét: “Nhà nó đây rồi, đánh chết nó đi”. Nghe vậy, Lương cầm theo hai con dao chạy ra cổng khiến cả nhóm bỏ chạy, được một đoạn thì Lương quay về nhà.
Cùng lúc, Phương đi xe máy tới khu vực trên, thấy Lương cầm dao nên vứt xe bỏ chạy. Thấy Lương quay lại nhà, Phương đến gần khu vực xe và có nghe người nói Lương đập xe của mình. Phương đi quanh xe và nói: “Tao không làm gì mà đập xe tao, tao đánh chết mày”.
Nghe Phương nói vậy, Lương hai tay vẫn cầm dao quay xuống với mục đích giải thích mình không đập phá xe. Khi cách nhau khoảng 3 m, Phương cầm viên gạch vỡ kích thước khoảng 10 x 7 x 7 cm ném trúng vào trán sát cung lông mày của Lương. Bị ném, Lương quay người đi về nhà. Ngoài ra, Lương còn khai sau khi bị Phương ném còn bị Tuấn cầm gạch ném trúng vào phía sau gáy,…
Kết luận giám định pháp y của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy Lương bị tổn hại sức khỏe 45%.
Đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên giữ quyền công tố tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Ngày 10-12-2010, tòa sơ thẩm TAND TP Thái Nguyên tuyên phạt Đào Xuân Phương năm năm tù về tội cố ý gây thương tích, Đỗ Ngọc Tuấn 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Bị cáo Lương kháng cáo kêu oan, bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường.
Ngày 10-3-2011, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKSND TP Thái Nguyên điều tra bổ sung.
Từ đó, trải qua tổng cộng tám bản án, mỗi khi bị cáo Phương bị cấp sơ thẩm tuyên năm năm tù về tội cố ý gây thương tích, đến cấp phúc thẩm lại tuyên trả hồ sơ. Bị cáo liên tục kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm không đúng sự việc xảy ra, bị cáo không có xích mích, không gây thương tích cho bị hại, CQĐT, VKS và tòa cấp sơ thẩm đã làm oan cho bị cáo.
Gần đây nhất, ngày 12-3-2018, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa theo trình tự giám đốc thẩm sau khi có kháng nghị của chánh án TAND Tối cao. Theo đó, Ủy ban Thẩm phán chấp nhận kháng nghị, hủy bán án hình sự phúc thẩm ngày 24-8-2017 của TAND tỉnh Thái Nguyên, chuyển hồ sơ vụ án cho tòa này xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.
Bị cáo muốn thay kiểm sát viên
Tại phần làm thủ tục hôm nay, khi được HĐXX hỏi, bị cáo Đỗ Xuân Phương bất ngờ nói muốn thay đổi KSV thực hiện quyền công tố tại tòa. Lý do vì rất nhiều lần tham gia xét xử KSV đã vi phạm tố tụng, bác bỏ các chứng cứ có lợi để gỡ tội cho bị cáo.
HĐXX không chấp nhận yêu cầu thay KSV của bị cáo. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Thắng, người bào chữa cho bị cáo, cho rằng sự thay đổi KSV là cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chất lượng xét xử. Qua các lần phúc thẩm đã cho thấy quan điểm của KSV đều bị tòa bác bỏ.
Bên cạnh đó, tại tòa, các vấn đề KSV tranh luận với LS đều không đúng trọng tâm, trong đó vấn đề vật chứng không có thật, bốn lần khám nghiệm nhưng có tới năm sơ đồ hiện trường khác nhau, sử dụng khái niệm “xác định hiện trường” không đúng với quy định,… nhưng KSV vẫn chấp nhận.
“Quá trình tranh luận cho thấy toàn bộ ý kiến của KSV đã thể hiện việc truy tố bị cáo là không khách quan” - LS Thắng nói.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, người bào chữa cho bị cáo Phương. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đối đáp lại điều này, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên cho rằng việc thay đổi KSV phải căn cứ vào quy định của BLTTHS. Theo đó, quá trình tố tụng, KSV không hề vi phạm quy định pháp luật, hoặc nếu có việc thay đổi KSV trước phiên tòa thì phải do viện trưởng VKS quyết định. Lý do bị cáo và LS bào chữa đưa ra là không hợp lý.
Vị KSV khẳng định trong ba lần phúc thẩm trước đây là người đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tại lần phúc thẩm thứ tư, khi thấy cấp sơ thẩm đã hoàn tất các yêu cầu, nhận thấy có đủ cơ sở buộc tội nên đã đề nghị tòa tuyên y án nhưng HĐXX không chấp nhận, sau đó chánh án TAND Tối cao đã có kháng nghị. Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bán án phúc thẩm là có căn cứ.
“Việc LS cho rằng quan điểm của mình và KSV mâu thuẫn nhau mà đề nghị thay đổi KSV là không có căn cứ” - đại diện VKS khẳng định.
Sau khi hội ý, căn cứ vào BLTTHS, HĐXX quyết định không chấp nhận yêu cầu của bị cáo cũng như LS.