2 giám đốc bị oan: Viện kiểm sát thừa nhận oan sai

Ngày 16-4, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Linh (Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) về vụ án oan vừa được đình chỉ liên quan đến ông Nguyễn Tấn Bình (41 tuổi) và Phan Thanh Trà (46 tuổi, cùng trú TP Đà Nẵng) mà trước đó Pháp Luật TP.HCM đã thông tin.

Có bắt người vì sức ép?

Ông Linh là người kí các quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và đồng thời là người kí quyết định đình chỉ vụ án vì hành vi của ông Bình, Trà không cấu thành tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Linh cho biết, việc ra cáo trạng truy tố hai ông này là do thời điểm đó do đánh giá của các cơ quan cho là có tội. “Nhưng sau đó xem xét lại thì thấy không đủ chứng cứ buộc tội cho nên theo quy định pháp luật thì phải đình chỉ vụ án”, ông Linh nói.

Trả lời câu hỏi, có thông tin cho rằng, VKSND TP nhiều lần nêu quan điểm và từ chối phê chuẩn lệnh bắt vì hai người này không có tội nhưng sau đó vì sức ép nên Viện mới phải phê chuẩn?. Ông Nguyễn Hữu Linh (phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) cho hay: “Cái này là họ nói còn có gì thì các anh tìm hiểu thêm”.

Ông Trà đang trình bày việc mình bị oan sai với báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh:HH.

Về vấn đề xin lỗi và bồi thường cho người bị oan sai, ông Linh cho biết, theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì người bị oan có đơn yêu cầu, sau khi xem xét đơn đó với các yêu cầu của họ như thế nào thì mới xem xét.

“Bởi vì trong Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước cho người bị oan thì có cả bồi thường về mặt tinh thần lẫn vật chất, kể cả công khai xin lỗi trước người bị oan”, ông Linh lý giải.

Trước câu hỏi : liệu có mâu thuẫn hay không khi trước đó thì Viện phê chuẩn bị giam, ra cáo trạng nhưng sau đó lại đình chỉ vụ án?. Ông Nguyễn Hữu Linh nói: “Không có gì mâu thuẫn hết. Lúc bấy giờ đánh giá về mặt chứng cứ, hồ sơ như vậy nhưng mà sau đó xem xét thì không phải như vậy. Mình cũng đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình”.

“Việc đánh giá như vậy là do chủ quan hay do trình độ năng lực?”-PV. Ông Linh trả lời : “cái này thì đánh giá theo hồ sơ chứng cứ. Xem xét lúc bấy giờ điều tra như thế. Nhưng sau đó xem xét tổng thể lại thì thấy hành vi đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên đình chỉ vụ án”.

Giám đốc Công an TP lập chuyên án

Pháp Luật TP.HCM cũng đã có những câu hỏi đặt ra cho Thượng tá Phạm Ngọc Nguyên (Phó trưởng cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Đà Nẵng). Thượng tá Nguyên là người kí quyết định khởi tố bị can, quyết định chuyển hồ sơ sang VKSND TP Đà Nẵng đề nghị truy tố ông Bình và Trà.

PV: PA92 có thẩm quyền điều tra vụ án này không?.

 Ông Nguyên cho biết: trước năm 2018, các cơ quan điều tra kể cả cảnh sát hoặc an ninh làm những vụ việc do Giám đốc Công an tỉnh/TP giao. Chúng tôi không dại gì làm việc không phải của mình, cái này VKS cũng đồng ý. Vụ này cũng liên quan yếu tố người nước ngoài, ông Yamato có đơn tố giác. PA92 nhận nhiệm vụ từ Giám đốc Công an TP mới lập chuyên án. Bây giờ là VKS đình chỉ vụ án rồi thì thôi, mình cũng không giữ quan điểm gì nữa. Vấn đề này hai cơ quan thống nhất với nhau. Đây là vấn đề chung, mình cũng không thể nói VKS chịu hết cái này, mình làm thì mình chịu trách nhiệm nhưng đúng theo quy định của pháp luật.

Quyết định đình chỉ vụ án, thừa nhận gây oan sai cho ông Trà và Bình. Ảnh: PL

PV: Có mớm cung, nhục hình không?.

Thượng tá Nguyên:Khẳng định là không bao giờ làm chuyện đó. Không mắc chi mình phải như vậy. Mình không bao giờ vì thành tích hay gì cả. Thà làm không được thì thôi”.

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, trong quá trình xem xét hồ sơ vụ án, các Kiểm sát viên, phòng nghiệp vụ của VKSND TP Đà Nẵng nhiều lần nêu quan điểm không đồng ý truy tố và khẳng định đây là tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa các bên.

Cụ thể quan điểm của Viện về ông Trà có hành vi vi phạm hợp đồng, sử dụng vật tư, thiết bị không đúng với chủng loại, mẫu mã đã được Công ty Chef Meat Việt Nam duyệt. Tại điều 317 Luật thương mại quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp trong đó có hình thức thương lượng giữa các bên. Trong vụ án này, các bên đã thương lượng giải quyết với nhau xong vào ngày 11-10-2016. Hành vi của Phan Thanh Trà không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với ông Bình, với tài liệu chứng cứ hiện có tại hồ sơ không đủ cơ sở kết luận ông Bình đã chỉ đạo ông Trà thay đổi máy mới thành máy cũ để lấy tiền chênh lệch.

Ngày 16-3-2017, VKSND TP Đà Nẵng đã có công văn số 106 gửi Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng nội dung từ chối phê chuẩn khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trà.

Ngày 22-3-2017, cơ quan ANĐT tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trà và ông Bình về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời ký công văn đề nghị VKSND phê chuẩn các quyết định tố tụng nói trên.

Ngày 24-3-2017, VKS đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt ông Trà nhưng từ chối phê chuẩn đối với ông Bình đề nghị tiếp tục thu thập thêm chứng cứ.

Ngày 10-4-2017, Cơ quan ANĐT tiếp tục có công văn đề nghị VKS phê chuẩn khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét đối với ông Bình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 9-5-2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng khởi tố bắt tạm giam đối với ông Bình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  

Ngày 13-4-2018, ông Nguyễn Hữu Linh (Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) đã có quyết định đình chỉ vụ án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Bình và Trà. Theo quyết định này thì việc đình chỉ vụ án khi xét thấy hành vi của ông Bình và ông Trà không cấu thành tội phạm và thừa nhận oan sai. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm