Mới đây, TAND Tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (GĐT) đối với quyết định GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM vụ ông Nguyễn Văn Thành (66 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM, đại diện hộ kinh doanh Trường Thành tại huyện Bình Chánh) kinh doanh trái phép.
Theo đó, TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử GĐT hủy quyết định GĐT của TAND cấp cao để xét xử lại theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý là TAND Tối cao cho rằng việc hai cấp sơ thẩm xét xử ông Thành về tội kinh doanh trái phép là có căn cứ không phải không phạm tội như quyết định GĐT của TAND cấp cao hồi tháng 2-2017.
Theo hồ sơ, ngày 19-4-2013, công an kiểm tra hoạt động tại một kho bãi do ông Thành làm đại diện, phát hiện, tạm giữ và lập hồ sơ xử lý 12 máy phát điện đã qua sử dụng mà ông Thành khai mua của người khác không rõ lai lịch, không có hóa đơn, chứng từ. Cho rằng ông Thành có hành vi kinh doanh trái phép số máy trên, công an và VKSND huyện Bình Chánh đã khởi tố, truy tố Thành.
Xử sơ thẩm lần đầu, TAND huyện Bình Chánh nhận định ngoài lời khai của ông Thành thì không có chứng cứ nào khác làm cơ sở buộc tội nên trả hồ sơ yêu cầu VKS chứng minh Thành có hành vi bán 12 máy phát điện (bị tạm giữ) trái với ngành nghề kinh doanh được cấp phép.
Ông Nguyễn Văn Thành. Ảnh: NGÂN NGA
Sau đó, CQĐT xác định ngành nghề kinh doanh mà ông Thành đăng ký là mua bán máy nông ngư cơ và phụ tùng, bổ sung là cho thuê máy phát điện, búa rung. Theo CQĐT, dù không được phép kinh doanh mua bán máy phát điện, búa rung (chỉ được cho thuê) nhưng từ năm 2006 đến thời điểm bị phát hiện, ông Thành đã bán hai mặt hàng này để thu lợi...
Xử sơ thẩm lần hai, TAND huyện Bình Chánh lại trả hồ sơ vì cáo trạng của VKS khá chung chung: Ngoài việc truy tố ông Thành về hành vi kinh doanh trái phép 12 máy phát điện (bị tạm giữ), VKS không khẳng định là có truy tố ông Thành về hành vi kinh doanh trái phép các máy phát điện khác và búa rung từ năm 2006 hay không...
VKSND huyện Bình Chánh ra cáo trạng mới truy tố ông Thành kinh doanh trái phép 12 máy phát điện (bị tạm giữ) cùng 17 máy phát điện, búa rung khác. Xử sơ thẩm lần ba, TAND huyện nhận định đối với 12 máy phát điện (bị tạm giữ), ông Thành không thừa nhận có hành vi bán mà chỉ khai là để cho thuê, VKS thì không chứng minh được rằng ông Thành đã bán hay sẽ bán số máy này.
Từ đó, tòa xác định ông Thành không có hành vi kinh doanh trái phép số máy này và tuyên trả lại cho ông Thành. Với hành vi bán trái phép 17 máy phát điện khác và búa rung mà CQĐT, VKS phát hiện thêm, tòa cho rằng có căn cứ nên phạt ông Thành một năm tù treo và phạt bổ sung 10 triệu đồng.
VKS huyện kháng nghị về phần xử lý vật chứng, cho rằng ông Thành không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của 12 máy phát điện (bị tạm giữ). Số máy này mua trôi nổi trên thị trường, là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cần tịch thu sung quỹ.
Theo tòa phúc thẩm, bản án sơ thẩm chỉ quy kết bị cáo phạm tội với 17 máy phát điện, búa rung đã bán, còn 12 máy phát điện (bị tạm giữ) mà VKS kháng nghị không phải là phương tiện liên quan đến việc phạm tội nên tòa sơ thẩm tuyên trả lại cho bị cáo là chính xác.
Tháng 2-2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xử GĐT vụ án này. Theo đó, Ủy ban Thẩm phán hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm và đình chỉ vụ án theo hướng ông Thành không phạm tội. Ủy ban thẩm phán đồng tình với kháng nghị GĐT của viện cùng cấp là theo BLHS hiện hành, người nào kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký... mà hàng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng thì bị xử phạt.
Nhưng theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh, không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến cơ quan quản lý nhà nước nếu ngành, nghề kinh doanh đó: Không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh; không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.
Theo quy định của Nhà nước, việc mua bán tổ máy phát điện không thuộc ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, ngày 24-4-2014, hộ kinh doanh Trường Thành của ông Thành đã được bổ sung ngành nghề kinh doanh mua bán máy phát điện. Vì thế, khi bán 17 tổ máy phát điện, hộ kinh doanh Trường Thành đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng, khai báo, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật. Như vậy, tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử thì hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện của ông Thành không bị coi là vi phạm pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, kháng nghị của TAND Tối cao lần này cho rằng tại thời điểm tòa án cấp sơ thẩm xét xử thì chưa công bố BLHS năm 2015. Theo hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015 thì hành vi phạm tội trong đó có hành vi kinh doanh trái phép được phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử trước ngày BLHS năm 2015 công bố thì vẫn phải áp dụng các quy định của BLHS năm 1999. Do đó, việc TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án ông Thành về tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS là có căn cứ.
Và kháng nghị này cũng phân tích theo các quy định của Chính phủ hướng dẫn thì doanh nghiệp có quyền chủ động lựa chọn ngành nghề kinh doanh và chủ động đăng ký kinh doanh mà không cần xin phép cơ quan có thẩm quyền về những ngành nghề muốn kinh doanh. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục, doanh nghiệp phải tuân theo một số quy định.
Khi bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đăng ký theo quy định. Ngoài ra, Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm. Tuy nhiên, quy định này cần được hiểu là doanh nghiệp có quyền tự do lựa chọn ngành nghề để kinh doanh sau đó doanh nghiệp phải kê khai đăng ký kinh doanh theo đúng trình tự, thủ tục....