Hai vấn đề bạn đọc quan tâm trong vụ ông Nguyễn Văn Thành vừa được minh oan về tội kinh doanh trái phép là: Cơ quan nào phải bồi thường và trách nhiệm của người làm oan ra sao? Trong khi các cơ quan liên quan chưa trả lời thì các chuyên gia pháp lý có những phân tích cụ thể.
Sẽ xử lý sau!
Sáng 13-2, trả lời Pháp Luật TP.HCM về hướng xử lý trách nhiệm liên quan đến việc làm oan ông Thành, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết sẽ có hướng xử lý sau. Bà Hương nói: “Hiện chúng tôi chỉ mới biết thông tin qua báo chí. Khi nào nhận được văn bản chính thức của TAND Cấp cao tại TP.HCM, chúng tôi sẽ xem xét sai sót ở khâu nào, bộ phận nào thì mới có cách giải quyết cụ thể và thông tin cho báo chí…”.
Trong khi đó, Thẩm phán Trần Hữu Ngôn, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm (hiện là phó chánh án TAND huyện Bình Chánh) cho biết ông không thể có ý kiến vì vấn đề này thuộc thẩm quyền phát ngôn của phó chánh án phụ trách. Đại diện VKSND huyện Bình Chánh cũng cho biết hiện VKSND TP.HCM chưa có chỉ đạo gì nên chưa có ý kiến.
Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) hiện nay việc xử lý trách nhiệm của thẩm phán làm oan chưa có quy định cụ thể. Chẳng hạn người làm oan bà Phạm Thị Út bị cho ra khỏi ngành, người làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có khi làm oan ở cấp huyện lại được chuyển lên cấp tỉnh… Theo Pháp lệnh Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Luật Tổ chức TAND thì thẩm phán là người xét xử và làm những việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án. Ngoài những yêu cầu về chuyên môn và đạo đức thì nếu vi phạm khi làm nhiệm vụ, thẩm phán sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu hình sự. Ngoài ra, ngành tòa án cũng có quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức năm 2008. Nếu vi phạm quy tắc thì thẩm phán cũng bị xử lý từ kỷ luật đến truy cứu hình sự.
Theo một giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, hiện nay TAND Tối cao đang thảo luận, lấy ý kiến về dự thảo Quy chế xử lý trách nhiệm với người giữ chức danh tư pháp trong ngành TAND. Theo dự thảo, có sáu hình thức kỷ luật đối với thẩm phán gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức (nếu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), cách chức (với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, công chức là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký) và buộc thôi việc. Ngoài ra, thẩm phán còn bị bố trí làm công việc khác trong sáu trường hợp, trong đó có trường hợp như trong vụ án này…
Riêng Đại tá Nguyễn Văn Quý (nguyên trưởng Công an huyện Bình Chánh) và nguyên phó viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh thì khác. Hai ông này đã bị kỷ luật cách chức trong hai vụ án oan Xin Chào và Chòi vịt rồi nên trong vụ này có thể họ không bị xem xét nữa.
Ông Nguyễn Văn Thành. Ảnh: NGÂN NGA
TAND huyện phải xin lỗi, bồi thường
Ban đầu TAND huyện kết án ông Thành về tội kinh doanh trái phép 17 tổ máy phát điện. Tòa tuyên trả lại 12 tổ máy cho ông Thành vì không liên quan đến hành vi phạm tội nữa. Sau đó, VKSND huyện kháng nghị theo hướng tịch thu sung công quỹ 12 tổ máy. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Bản án viết: “Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị”.
Theo chuyên gia Đinh Văn Quế, VKSND huyện chỉ kháng nghị việc xử lý vật chứng chứ không kháng nghị về tội danh và hình phạt. Do đó, bản án sơ thẩm đối với ông Thành về tội danh và hình phạt coi như có hiệu lực pháp luật. Theo điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tòa án cấp sơ thẩm phải bồi thường trong trường hợp tuyên bị cáo có tội và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực nhưng bị giám đốc thẩm hủy án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm về tội danh và hình phạt và hủy án phúc thẩm về quyết định xử lý vật chứng. Tức là cấp giám đốc thẩm coi phần tội danh và hình phạt của án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, do đó TAND huyện phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình.
Về các khoản bồi thường cụ thể, theo TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), ông Thành được quyền yêu cầu bốn loại. Thứ nhất là thiệt hại về tinh thần tính từ lúc bị khởi tố cho đến khi được minh oan. Nếu ông Thành chưa bị tạm giữ, tạm giam thì cứ một ngày bị oan tính bằng một ngày lương cơ sở. Thứ hai là thiệt hại vật chất, nếu ông bị thiệt hại về tài sản như bị mất thu nhập kinh doanh. Thứ ba là thiệt hại về tài sản nếu các cỗ máy bị mất hoặc giảm sút giá trị và mất thu nhập do tài sản không được khai thác, sử dụng từ khi bị thu giữ. Thứ tư là các thiệt hại khác như gián đoạn kinh doanh hoặc chi phí thuê luật sư, loại này ngoài tòa sơ thẩm thì VKS cũng phải bồi thường do đã kháng nghị dẫn đến kéo dài vụ án.
Bị kết án oan hơn hai năm Giữa năm 2014, TAND huyện Bình Chánh kết án ông Thành, VKSND cùng cấp kháng nghị việc xử lý vật chứng và tòa phúc thẩm bác kháng nghị, y án sơ thẩm. Tháng 9-2016, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án. Theo kháng nghị, ban đầu công an huyện đề nghị truy tố ông Thành vì kinh doanh trái phép 12 tổ máy phát điện nhưng tòa trả hồ sơ. Sau đó, công an phát hiện ông Thành mua bán 17 tổ máy phát điện khác. VKS truy tố và TAND xét xử về tội kinh doanh trái phép đối với 17 tổ máy trên là vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì chưa khởi tố vụ án. Trong 17 tổ máy, có tổ máy ông Thành bán từ tháng 11-2008, tính đến ngày phát hiện đã quá năm năm. Nhưng cấp sơ thẩm vẫn truy tố, xét xử là vi phạm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (năm năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng). Ngoài ra, tuy hộ kinh doanh của ông Thành không đăng ký ngành nghề mua bán máy phát điện trong giấy phép nhưng Nghị định 102-2010 (hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2005) quy định, doanh nghiệp không cần xin phép nếu không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh hoặc không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 cũng quy định doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành nghề luật không cấm. Đặc biệt, BLHS 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép. Hơn nữa, tháng 4-2014, hộ kinh doanh của ông Thành đã được bổ sung ngành nghề kinh doanh mua bán máy phát điện. Do đó, hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện của ông Thành không còn bị coi là vi phạm pháp luật hình sự... Ngày 10-2 vừa qua, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS cùng cấp. Tòa đã hủy cả hai bản án và đình chỉ vụ án, minh định ông Thành không phạm tội kinh doanh trái phép. Người bị oan nói gì? Tối 13-2, ông Nguyễn Văn Thành vẫn tất bật với công việc kinh doanh của gia đình. Ông kể: “Giai đoạn điều tra, công an cứ mời những mối làm ăn của tôi từ các tỉnh lên TP.HCM để làm rõ vụ việc khiến họ nghi ngờ về tôi. Họ thắc mắc tôi làm gì mà để công an hỏi hoài vậy khiến tôi hơi ngại vì uy tín bị ảnh hưởng. Nhưng từ hôm qua tới nay, nhiều bạn hàng theo dõi báo Pháp Luật TP.HCM biết tôi bị oan, họ gọi điện thoại nói phải khao to mới được...”. Ông tiếp: “Tôi không muốn trách móc, giận hờn gì cả, mọi chuyện cũng lỡ rồi. Việc đòi bồi thường thì để tôi bàn với vợ đã, chứ giờ mình có yêu cầu đi tới đi lui thấy mệt quá!”. |