TAND huyện Bình Chánh xét xử sơ thẩm tuyên bố ông Nguyễn Văn Thành phạm tội kinh doanh trái phép và phạt ông một năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Thành không kháng cáo nhưng VKSND huyện Bình Chánh kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng tịch thu sung công quỹ 12 tổ máy phát điện cũ, chứ không kháng nghị về tội danh và hình phạt. Do đó, bản án sơ thẩm đối với ông Thành về tội danh và hình phạt được coi như có hiệu lực pháp luật.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu khi xét xử phúc thẩm TAND TP.HCM chỉ tuyên y án sơ thẩm về “quyết định xử lý vật chứng” chứ không đả động gì về tội danh và hình phạt, tức là phần tội danh và hình phạt của bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật thì TAND huyện Bình Chánh là cơ quan có trách nhiệm xin lỗi và phải bồi thường oan cho ông Nguyễn Văn Thành.
Nếu bản án phúc thẩm mà TAND TP.HCM tuyên một câu chung chung “y án sơ thẩm”, mà không nói y án về quyết định trả lại 12 tổ máy phát điện cho ông Thành như kháng nghị của VKS, tức là tòa án cấp phúc thẩm đã xem xét và quyết định cả những phần không có kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm “y toàn bộ bản án sơ thẩm”, đồng nghĩa với việc tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội thì trách nhiệm bồi thường oan cho ông Nguyễn Văn Thành lại thuộc trách nhiệm của TAND TP.HCM.
Việc TAND TP.HCM tuyên một câu chung chung “y án sơ thẩm” là vi phạm tố tụng, cần được tòa án cấp giám đốc thẩm rút kinh nghiệm với tòa án cấp phúc thẩm.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tòa án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp: Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt và bản án phúc thẩm về quyết định xử lý vật chứng, tức là tòa án cấp giám đốc thẩm xác định phần tội danh và hình phạt của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thì TAND huyện Bình Chánh lại là cơ quan có trách nhiệm xin lỗi và phải bồi thường oan cho ông Nguyễn Văn Thành.
Tóm lại, vụ kết án oan ông Nguyễn Văn Thành, TAND huyện Bình Chánh hay TAND TP.HCM phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại phải căn cứ vào quyết định cụ thể của bản án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM chứ không thể nói một cách chung chung được.
Qua vụ án này, thiết nghĩ các tòa án, nhất là tòa án cấp phúc thẩm cũng cần rút kinh nghiệm khi xét kháng cáo, kháng nghị và phạm vi xét xử phúc thẩm cũng như cách tuyên trong bản án để tránh tình trạng gây tranh cãi về trách nhiệm bồi thường oan giữa các tòa án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan.