Ngày 14-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thanh Trà (46 tuổi) và ông Nguyễn Tấn Bình (41 tuổi, cùng ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết hai ông rất vui mừng khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án của VKSND TP Đà Nẵng.
Hình sự hóa hợp đồng kinh tế
Theo ông Bình, Cơ quan An ninh điều tra đã hình sự hóa hợp đồng kinh tế dân sự giữa Công ty Cổ phần Chefmeat Việt Nam và Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê dẫn đến vụ việc oan sai nói trên.
Cụ thể: Công ty Cổ phần Chefmeat Việt Nam (Chefmeat) đóng trên địa bàn quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) do ông Kamogari Yamato làm tổng giám đốc (đại diện cho đối tác Nhật Bản góp vốn 51%) và ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc (đại diện cho Việt Nam góp vốn 49%).
Ông Trà đau khổ nói về những ngày tháng oan sai của mình. Ảnh: HẢI HIẾU
Trong quá trình xây dựng các hạng mục của nhà máy Chefmeat, Công ty Trí Tuệ Việt do ông Bình làm giám đốc nhận thầu thi công hệ thống cơ điện. Ông Bình đã giới thiệu ông Phan Thanh Trà (Giám đốc Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê) ký hợp đồng kinh tế với Chefmeat nhận lại công việc của mình.
Do gấp rút để dự án kịp hoạt động, ông Trà không chắc chắn chất lượng thiết bị Trung Quốc có đảm bảo để hệ thống hoạt động ở nhiệt độ -250C. Lúc này ông Trà đã thay đổi máy nén nhập khẩu từ Trung Quốc như trong hợp đồng (mới 100%) sang máy nén đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất.
Về việc này, ông Trà đã chủ động làm việc với Chefmeat để thương lượng sửa sai và khắc phục đền bù. Mặc khác, từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng đã hơn bốn năm tất cả máy móc thiết bị mà ông Trà lắp đặt đã được chủ đầu tư xác nhận hoạt động bình thường.
Trong điều khoản hợp đồng này có nêu rõ bất kỳ trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại TAND có thẩm quyền tại Đà Nẵng giải quyết.
Mặt khác, căn cứ vào Điều 14 Luật Đầu tư, tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án.
Tuy nhiên, ngày 24-3-2017, VKSND TP Đà Nẵng phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trà về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngày 9-5-2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng khởi tố bắt tạm giam đối với ông Bình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 31-10-2017, ông Bình mới được VKSND TP Đà Nẵng có quyết định cho tại ngoại.
Theo ông Bình, trong quá trình bị tạm giam, ông nhận thấy các điều tra viên đã mớm cung, ép cung, dọa, thậm chí là bắt ghi giấy thông cung ra bên ngoài.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bình cho biết việc chỉ đạo hình sự hóa một hợp đồng kinh tế dân sự khiến ông vướng vòng lao lý, doanh nghiệp phá sản. Công ty ông có gần 50 lao động bị ảnh hưởng về quyền lợi hợp pháp, làm hệ lụy xấu đến gia đình người lao động.
Hai giám đốc mất công ty
Cầm tờ quyết định đình chỉ vụ án, ông Trà run run kể về sự mất mát của mình sau khi bị bắt oan. Ông Trà cho rằng mất mát đó không lấy gì đền đáp nổi.
Quyết định đình chỉ vụ án. Ảnh: LÊ PHI
Theo ông Trà, năm 2010, ông thành lập Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê với vài công nhân hợp động trong lĩnh vực điện lạnh. Bằng sự lèo lái của ông Trà, công ty đã ăn nên làm ra, số công nhân cơ hữu gần 20 người.
Năm 2016, số lãi ông kiếm được từ công ty mình mỗi tháng hàng trăm triệu. Bất ngờ, ngày 24-3-2017, ông Trà bị Cơ quan An ninh điều tra để buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông bị tạm giam đến tháng 10-2017 mới được cho tại ngoại.
Từ lúc bị bắt, công ty ông bắt đầu suy sụp. Những công trình dang dở đang thi công chưa thu tiền được đành bỏ. Những chủ nợ liên tục đến công ty đòi. Công nhân không có người lèo lái nên tứ tán khắp nơi.
Vợ ông Trà, trước giờ chỉ biết nội trợ, chăm sóc con cái phải đi làm công nhân để trang trải cuộc sống cho ba mẹ con. Bà đi làm thủ tục tạm ngừng hoạt động công ty và lo thăm nuôi chồng.
Ứa nước mắt, ông Trà kể về câu chuyện sau khi bị bắt. Lúc cảnh sát bắt ông Trà là khoảng 4 giờ chiều, thời điểm này con ông chưa đi học về. Đến tối, con ông hỏi mẹ, cha đâu. Vợ ông sợ con biết nên giấu nhẹm, nói cha đi làm ngoài đảo.
Vợ ông thuật lại lời con mình nói: “Cha tệ quá, đi làm mà cũng không gọi điện về cho con”. Lúc đó, vợ ông chỉ biết giải thích với con là ở ngoài đảo điện thoại mất sóng nên không gọi được.
“Giờ thì mất hết tất cả rồi, may mắn tôi còn gia đình. Công ty cũng không thể hoạt động lại được vì không còn khách hàng, vốn liếng. Bây giờ tôi làm thợ đụng, ai mướn gì làm đó để lo cho hai đứa con”, ông Trà ngậm ngùi.
Tương tự, ông Bình cũng có công ty với hơn 50 công nhân làm việc trong lĩnh vực san lấp. Từ khi bị bắt, người thiếu mình thì không trả nợ, còn người mình nợ thì liên tục đến đòi. Sau đó, gia đình ông phải bán đất để trả nợ cho một số đối tác.
Trước đây, với kiến thức và vốn tiếng Anh, ông được nhiều hợp đồng của các đối tác trong và ngoài nước. Khi ông được tại ngoại, với thân phận bị can nên cũng không thể nhận được hợp đồng nào. Ông Bình vẫn đang sống dựa vào vợ, hằng ngày đi đón con.
Lúc ông bị bắt, vợ ông cũng giấu con việc này. Vợ ông nói với con rằng cha mình đi làm ở Sài Gòn. Khi ông được tại ngoại, con ông đứng sững sờ nhìn chứ không chạy lại ôm như những lúc ông đi làm về.
“Tôi phải đến ôm nó, chắc con trách tôi lâu lắm không liên lạc với nó...”, ông Bình bỏ lửng câu nói, mắt rưng rưng.
Ông Bình cho biết từ lúc được tại ngoại, với thân phận bị can nên không đi làm được gì. Ông chỉ ở nhà chăm sóc con, sắp tới ông tính đi chạy taxi để trang trải cuộc sống với vợ.
Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông Nguyễn Hữu Linh (Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) về quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Bình và ông Trà.
Ông Linh cho hay: “Thứ Hai tuần sau (ngày 16-4) sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ án oan này tại Đà Nẵng.
Phải công khai xin lỗi và bồi thường Về việc đình chỉ vụ án nói trên, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bị can (hơn năm tháng đối với ông Bình; bảy tháng đối với ông Trà - PV) sau đó đã có quyết định của VKSND TP Đà Nẵng đình chỉ vụ án vì lý do hành vi của bị can, người bị tạm giam không cấu thành tội phạm thì đây được xem là một trong những trường hợp người bị oan sai đã có được quyết định của cơ quan có thẩm quyền minh oan.
“Do vậy, ngoài việc họ được tự do, không bị đưa ra xét xử thì họ còn được cơ quan có lỗi trong việc gây ra oan sai phải xin lỗi, bồi thường các thiệt hại theo quy định của pháp luật”, luật sư Cao nói. Luật sư Lê Cao phân tích theo khoản 2 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 (TNBTNN) thì ông Bình và ông Trà và ngay cả ông Nguyễn Xuân Thắng trước đó đã được đình chỉ điều tra do không có hành vi phạm tội thì đều là các trường hợp thuộc phạm vi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bồi thường theo luật. “Trong trường hợp này, cơ quan điều tra là cơ quan trước nhất đã có các sai phạm khi đánh giá, định tội danh. Tuy nhiên, họ có quyết định khởi tố và có lệnh tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền giám sát, phê duyệt lại là cơ quan VKS. Do đó, theo khoản 2 Điều 31 Luật TNBTNN nêu trên, cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường oan sai trong trường hợp này lại chính là cơ quan đã phê chuẩn lệnh tạm giam. Theo chúng tôi, việc tạm giam để điều tra thì VKSND không những phê chuẩn lệnh tạm giam mà còn phê chuẩn cả các quyết định về gia hạn tạm giam”, luật sư Cao nói. Cũng theo luật sư Cao, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho những ngày bị giam giữ, các thiệt hại do thu nhập thực tế của những người bị giam bị mất trong những ngày bị giam, thiệt hại về tài sản khác. Đồng thời phải trả lại tài sản đã tịch thu, phải khôi phục danh dự cho người bị bắt giam bằng cách xin lỗi công khai, trực tiếp xin lỗi theo quy định của Luật TNBTNN. “Trường hợp nếu không có các thỏa thuận bồi thường, người bị oan sai có thể khởi kiện ra tòa để buộc cơ quan có trách nhiệm bồi thường oan sai cho mình”, luật sư Lê Cao nhấn mạnh. |