Theo lời kể, sáng 18-8, anh Rơ Châm Jưm (SN 1989) khi đến một tiệm tạp hóa trong làng để mua bánh cho con thì có biểu hiện đau đầu, sốt cao nên dừng xe lại, ngồi ở ven đường.
Sau đó, người dân trong làng vội đưa anh Jưm đi cấp cứu, tuy nhiên đã không kịp, anh đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Trước đó, vào ngày 11-8, bác ruột của anh Jưm là ông Rơ Châm Lep (SN 1947) khi đang trông cháu ở nhà thì cũng cảm thấy đau đầu, nóng sốt rồi nằm vật ra sàn. Gia đình đã đưa ông Lep đến bệnh viện nhưng các bác sĩ đã bó tay.
Trước đó nữa, ngày 4-8, em ruột của anh Jưm là Rơ Châm Dung (SN 1997) khi đang nhậu với bạn bè thì cảm thấy đau đầu, nóng sốt rồi cũng ngã vật ra sàn và cũng chết khi chưa đến bệnh viện.
Người dân đang tổ chức an táng cho anh Jưm
Chiều 19-8, làm việc với chúng tôi, BS Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pah (Gia Lai) xác nhận có ba trường hợp bệnh nhân như đã nêu nhập viện cấp cứu trong tình trạng tim, mạch đã ngừng đập, ngừng hô hấp. Tuy vậy, các bác sĩ tại trung tâm vẫn áp dụng các quy trình cấp cứu khẩn cấp như đặt nội khí quản, tiêm thuốc trợ tim và ép ngực nhưng đều không thành công.
Theo BS Trà, ban đầu, một bệnh nhân chết như vậy nên bệnh viện không để ý. Tuy nhiên, sau đó liên tục bệnh nhân đều cùng một dòng họ bị cùng triệu chứng như nhau nên bệnh viện đã cử cán bộ xuống làng tìm hiểu nguyên nhân.
“Các bệnh lý dẫn đến tử vong của bệnh nhân đều phải có quá trình. Còn đối với ba bệnh nhân này thì rất khó hiểu bởi các biểu hiện bên ngoài đều không có gì lạ như không bị chấn thương bên ngoài, lục phủ ngũ tạng bình thường, da không xuất huyết, ổ bụng bình thường không sưng, không có triệu chứng ngộ độc thực phẩm cũng như ngộ độc rượu… Chính vì thế, cần phải tổ chức giám định pháp y thì mới hiểu rõ được vấn đề”, BS Trà cho hay.