Giếng xăng còn có tên gọi khác là giếng Bó Lài. Người dân và cả chính quyền địa phương đều không rõ giếng được xây dựng vào thời gian nào. Tuy nhiên, việc nước giếng có xăng theo người dân địa phương là đã xuất hiện từ những năm 1960 - 1965, tức là khoảng 45 - 50 năm nay.
"Trong thành phần của nước nhiễm xăng dầu, có một số chất như chì, sắt… với hàm lượng cao. Về lâu dài, khi những chất này ngấm vào cơ thể con người sẽ làm phát sinh các căn bệnh về ung thư. Vì thế, tốt nhất là người dân nên ngừng sử dụng nước giếng Bó Lài vào việc sinh hoạt hằng ngày, đồng thời các cơ quan khác cần vào cuộc để kiểm tra sức khỏe cho người dân và có cách khắc phục kịp thời". Ông Tôn Tiến Tùng (chuyên viên phòng TNMT huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) |
Việc người dân thôn Cốc Nam đã vớt được xăng, dầu trong thời gian dài là sự việc có thật. Ông Hoàng Đức Phụng, trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Văn Lãng cũng khẳng định như vậy. Ngày nhỏ ông cũng đã được đi vớt xăng, dầu về rồi lọc lấy dầu thắp thay cho dầu hỏa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lành Nghiệp Dư, phó chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Lượng xăng, dầu chảy ra giếng xăng nhiều nhất là khoảng những năm 1970 - 1980. Đến cuối những năm 1980 ở Cốc Nam xuất hiện những trận mưa to bất thường dẫn đến lụt lội, giếng xăng hồi đó cũng bị chìm sâu trong nước. Vì thế, có khả năng một lượng lớn xăng, dầu bị hòa tan trong nước. Sau những trận mưa dữ dội đó các váng xăng, dầu ít thấy xuất hiện, nhưng mùi hôi của nó vẫn rất đậm và kéo dài cho đến nay. Hàng ngàn hộ dân ở thôn Cốc Nam và các thôn lân cận thấy nước có váng và mùi xăng dầu nhưng vẫn rất trong, nên họ vẫn sử dụng cho việc sinh hoạt từ mấy chục năm nay.
Mặc dù hiện tượng xăng xuất hiện kỳ lạ nhưng chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để kiểm tra tình hình. Ông Hoàng Đức Phụng cho biết là huyện chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào từ phía xã liên quan đến giếng xăng, vì thế chưa cử đoàn cán bộ về kiểm tra. Nếu có kiểm tra thì huyện cũng không đủ năng lực để xét nghiệm mẫu nước, vì thế phải phụ thuộc vào các sở, ban, ngành có liên quan ví dụ như sở tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn, Sở Y tế...
Do chưa có sự kiểm tra nên huyện chưa thể kết luận được nước xăng, dầu ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người dân, vì thế tốt nhất là người dân không nên sử dụng nước giếng này vào việc sinh hoạt hằng ngày, tránh việc nước giếng có thể gây hại cho sức khoẻ con người về lâu dài.
Ông Thành cũng đưa ra giả thiết về việc có mỏ dầu dưới lòng đất, khi người ta khoan giếng này thì khoan trúng mạch dầu mỏ cho nên giếng nước mới có những váng xăng, dầu và mùi hôi đậm.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, xăng dầu là sản phẩm nhân tạo. Nếu phát hiện giếng xăng như trên thì chỉ có ba khả năng. Thứ nhất là có thể có đường ống dẫn xăng dầu ngầm dưới lòng đất bị nứt vỡ dẫn đến xăng dầu ngấm xuống lòng đất. Thứ hai là có thể xăng từ các bồn chứa của doanh nghiệp bị rò rỉ và có thể doanh nghiệp hoặc ai đó đổ chất thải ra môi trường trong đó có lẫn xăng, dầu. Việc cần làm đầu tiên là phải truy tìm nguồn ngốc phát tán xăng dầu và khắc phục ngay. Ngoài ra cần khuyến cáo người dân không được sử dụng nước nhiễm xăng, dầu trong sinh hoạt hàng ngày. |