Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng thời gian qua việc đóng tàu cho ngư dân không bảo đảm chất lượng, gây tốn kém, lãng phí. Bà chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT về nguyên nhân, có vi phạm pháp luật không và đề nghị bộ trưởng đánh giá hiệu quả của chính sách đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67/2014.
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định).
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay Nghị định 67/2014 của Chính phủ gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung hỗ trợ lãi suất tín dụng để phát triển đội tàu công suất lớn tham gia đánh bắt ở ngư trường xa, với kế hoạch ban đầu khoảng 2.228 chiếc.
Sau năm năm, toàn bộ các tỉnh duyên hải và ngư dân đã đăng ký 1.177 phương tiện tàu. Đến ngày 30-6-2019, chính thức đã có 1.032 tàu đưa vào hoạt động đánh bắt.
Quá trình tổ chức thực hiện, có 20 chiếc tàu của Bình Định xảy ra việc máy không đúng chủng loại, hỏng hóc từng bộ phận... Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan tập trung vào cuộc. “Đến cuối năm 2017, toàn bộ 20 tàu hỏng đã được khắc phục xong và đi vào hoạt động” - ông thông tin.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Về xác định nguyên nhân, trách nhiệm, theo ông Cường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các công ty đóng tàu, đồng thời có sự liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, trong đó có Bộ NN&PTNT.
“Về phía Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã tiến hành rà soát, xác định cơ quan trực tiếp liên quan đến việc này là trung tâm đăng kiểm của Bộ thuộc Tổng cục Thủy sản. Anh đăng kiểm gì lại để xảy ra tình trạng thế này” - ông Cường nói.
Ông cũng cho hay Bộ NN&PTNT đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ trực tiếp liên quan. Cụ thể, tiến hành cảnh cáo, thu hồi ba thẻ đăng kiểm của ba cán bộ đăng kiểm của trung tâm (trực tiếp tham gia việc đăng kiểm), cảnh cáo giám đốc trung tâm đăng kiểm này, khiển trách phó giám đốc phụ trách ba cán bộ đăng kiểm trên.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị định 67, ông Cường cho rằng mặt tích cực đã góp phần tăng 20% lượng tàu đánh bắt xa bờ, giảm 13% lượng tàu khai thác gần bờ. Các chính sách hỗ trợ bảo hiểm ngư dân đánh bắt khơi xa thực hiện được nên giúp ngư dân phấn khởi…
Tuy nhiên, thừa nhận những bất cập, tồn tại, ông cho rằng nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá giai đoạn qua chưa thực hiện được. Chẳng hạn, mới đầu tư được 83/125 cảng cá (đạt 66%), đầu tư 83/146 khu neo đậu, bằng 57% theo quy hoạch của Thủ tướng.
Cạnh đó, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 (2011-2015) và giai đoạn 2 (2016-2020) chỉ được 7.249 tỉ đồng trên nhu cầu phê duyệt là 28.000 tỉ đồng dẫn tới các thiết chế hạ tầng cơ bản của nghề cá biển đến giờ này còn nhiều bất cập.
Ông Cường cũng chỉ ra những bất cập về mặt tín dụng theo Nghị định 67. Chẳng hạn, thực tiễn có những chủ tàu được nhận hỗ trợ đầu tư nhưng lý do khách quan họ không đi biển được nữa thì bế tắc không biết chuyển giao cho ai.
“Nếu không giải quyết được dẫn đến nợ xấu sau này, lãng phí phương tiện đầu tư” - ông Cường nhận định.
Mặt khác, tín dụng đầu tư hỗ trợ 3%-6% tùy từng cấp độ tàu rải ra suốt một đời dự án 11 năm, dẫn đến nhiều ngư dân và chính quyền địa phương có ý kiến vì sao Chính phủ không có chính sách hỗ trợ một lần?...
Trước tình hình này, ông Cường cho biết tháng 2-1018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 thay thế những nội dung bất hợp lý của Nghị định 67. Hiện Bộ NN&PTNT đang cùng địa phương rà soát, cuối năm nay sẽ tổng kết thi hành Nghị định 67 phục vụ cho định hướng chủ trương mới.