Ngày 6-6, Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo về hình thức kỷ luật đối với Đại đức Thích Nhuận Đức vì những video thuyết giảng, nghi lễ trên không gian mạng bị dư luận phản ánh là phản cảm.
Trong các yêu cầu được nêu ra, đáng chú ý là Đại đức Thích Nhuận Đức phải chịu hình thức kỷ luật sám hối biệt chúng.
Giải thích về kỷ luật sám hối biệt chúng, trên Cổng thông tin Phật giáo, tác giả Thiện Minh cho biết đây là một hình thức sám hối khi một vị tu sĩ vi phạm giới luật.
Hình thức này thường có thời hạn để tu sĩ có thời giờ sám hối trước Phật, trước Đại tăng và suy ngẫm về những việc mình đã làm, cũng như những tổn hại mình gây ra cho hình ảnh tu sĩ và uy tín của tổ chức tăng đoàn.
Sám hối là tự mình ăn năn, hổ thẹn những lỗi lầm đã tạo, nguyện sửa đổi không tái phạm. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, sám hối là "ăn năn chừa bỏ".
Nhưng cần hiểu rằng sám hối không phải là cứ thường xuyên phạm lỗi, rồi thường xuyên sám hối, lại phạm lỗi, lại sám hối.
Sám hối phải là sự mạnh dạn ăn năn nhận lỗi của người thế gian, khi mình làm cho người nào đó buồn phiền tức giận. Trong Phật giáo cũng thế, do thân hành động sai, lời nói không khéo, ý buông lung niệm ác, nay nhận ra bộc lộ lỗi lầm của mình, tha thiết hối lỗi quyết không tái phạm, mới là sám hối thực sự.
“Biệt chúng sám hối là hình thức sám hối đối với tu sĩ Phật giáo khi vi phạm giới luật, giáo luật. Tách biệt với mọi người, không được tham gia, tham dự bất kỳ một nghi lễ, thời khóa nào tại trú xứ, không được giao thiệp với bất kỳ ai.
Khoảng thời gian biệt chúng sám hối là khoảng thời gian tu sĩ suy xét những việc đã làm, ăn năn nhận lỗi và khởi tâm hối lỗi, quyết không tái phạm trước khi được xử lý bởi Đại Tăng, Tăng Đoàn, các cấp quản lý” - tác giả viết.
Trong trường hợp này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Đại đức Thích Nhuận Đức sám hối biệt chúng tại tổ đình Hộ Pháp, một ngôi chùa tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều này được hiểu rằng mọi sinh hoạt của người này phải tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.