Giáo hội Phật giáo Việt Nam được đề nghị '1 đẩy mạnh - 2 tiên phong - 3 trọng tâm'

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chùa Quán Sứ, Hà Nội dịp Đại lễ Phật đản và đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam "1 đẩy mạnh - 2 tiên phong - 3 trọng tâm".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-5, nhân Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới chúc mừng Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản với chức sắc, tăng ni, Phật tử tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu và hòa nhập vào xã hội Việt Nam

Trong chuyến thăm, Thủ tướng trân trọng chuyển lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến đồng bào Phật giáo cả nước nhân Đại lễ Phật đản, đồng thời nhắc lại lời của Tổng Bí thư về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo:

"Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, với 54 dân tộc anh em, nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt tại các cộng đồng. Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy định tất cả mọi người dân đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo, xung đột dân tộc, tất cả chung sống hòa thuận vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển".

Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: VGP.

Đại lễ Phật đản là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào theo đạo Phật, là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới được Liên hợp quốc công nhận. Đây là là dịp để tôn vinh những giá trị cao đẹp mà Phật giáo mang đến cho đời sống con người, đó là tinh thần từ bi, trí tuệ, đoàn kết và phát triển bền vững, nhân văn.

Theo Thủ tướng, qua hàng nghìn năm kể từ khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam, Đại lễ Phật đản có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Sự kiện này không đơn thuần ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn là lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, truyền đi thông điệp về lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, hoà hợp cùng phát triển.

Là tôn giáo của từ bi, của lòng nhân ái và tính hướng thiện, Phật giáo ra đời vì cuộc sống của con người và cho chính hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Trong thực hành giáo lý và cuộc sống, đạo Phật luôn đề cao tinh thần đạo và đời luôn gắn liền nhau.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu và hòa nhập vào xã hội Việt Nam, trở thành một thành tố của nền văn hóa truyền thống cao đẹp của người Việt Nam, nền văn minh, văn hiến Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, với tinh thần "Hộ quốc an dân", Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc trong cả quá trình dựng nước và giữ nước.

Nhiều vị thiền sư, danh tăng đã hết lòng phù trợ các triều đại để xây dựng đất nước phát triển rực rỡ. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, nhiều nhà sư đã "cởi cà sa, khoác chiến bào" để lại những chiến công lưu danh cho hậu thế.

Phật giáo trong quan niệm, tư tưởng, đạo đức, lối sống của dân tộc

Phát biểu trước Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những giá trị nhân văn sâu sắc, cao cả của Phật giáo đã ảnh hưởng tích cực đến quan niệm, tư tưởng, đạo đức, lối sống của dân tộc. Phật giáo góp thêm nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc, làm đậm đà thêm văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc của dân tộc ta, của nền văn minh, văn hiến Việt Nam.

Trong suốt gần 80 năm qua, với triết lý sâu sắc và tinh thần "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo luôn hướng đến con người, vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc.

"Chúng ta rất phấn khởi, tự hào và cảm động trước những đóng góp của các tăng ni, Phật tử trên nhiều mặt công tác xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần làm vơi đi những nỗi lo toan hàng ngày của nhiều người dân cả về vật chất và tinh thần, đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững" - Thủ tướng nói.

Việt Nam có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng, nhưng đều hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, nên có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, thống nhất trong đa dạng.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần được phát huy hơn bao giờ hết, trong đó các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là một trong những nhân tố tạo ra sức mạnh "muôn người như một" của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam anh hùng.

thu-tuong-de-nghi-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thuc-hien-phuong-cham-1-day-manh-2-tien-phong-3-trong-tam-2.jpg
Thủ tướng khẳng định: Với tinh thần "Hộ quốc an dân", Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc - Ảnh: VGP.

Phương châm "1 đẩy mạnh - 2 tiên phong - 3 trọng tâm"

Trong chuyến thăm Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện phương châm "1 đẩy mạnh - 2 tiên phong - 3 trọng tâm".

"1 đẩy mạnh" là: Đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết trong nhân dân.

"2 tiên phong" gồm: Tiên phong vận động đồng bào cả nước hiến tạng, hiến máu cứu người với tinh thần "Cho đi là còn mãi", đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cả nước.

Tiên phong chống mê tín, dị đoan, bảo đảm hoạt động tôn giáo lành mạnh với tinh thần "Đạo và đời - đời và đạo", kiên quyết không để các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống lại Nhà nước, dân tộc, nhân dân, hoặc trục lợi, vì động cơ cá nhân, vi phạm quy định cả về Phật pháp và pháp luật.

"3 trọng tâm" gồm:

Góp phần giáo dục lòng yêu nước, thương dân trong Phật tử và trong toàn xã hội với tinh thần "Hộ quốc an dân";

Sống tốt đời đẹp đạo, phát huy hiệu quả hơn nữa tư tưởng "Đạo pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội";

Góp phần xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau với tinh thần "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng", "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Lá rách đùm lá rách hơn", nhất là trong khó khăn, hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ...

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn nhất quán nguyên tắc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tinh thần lành mạnh, chính đáng, hợp pháp của tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã chúc mừng Đại lễ Phật đản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm