Dữ liệu và quyền riêng tư là một trong những thứ mà bạn nên quan tâm nhiều hơn trong thời đại công nghệ hiện nay.
Mới đây, các nhà nghiên cứu bảo mật của Google đã phát hiện ứng dụng Pinduoduo (ứng dụng mua sắm của Trung Quốc) có chứa phần mềm độc hại. Công ty đã gỡ bỏ ứng dụng khỏi Google Play, đồng thời khuyến cáo người dùng nên xóa ứng dụng khỏi điện thoại để đảm bảo an toàn.
Tương tự, ứng dụng mua sắm Temu (thuộc sở hữu của công ty mẹ Pinduoduo) cũng bị cáo buộc bán toàn sản phẩm chất lượng thấp.
Vào năm 2019, hãng bảo mật Kaspersky đã phát hiện một loạt phần mềm độc hại nguy hiểm bên trong CamScanner, một ứng dụng quét tài liệu khá phổ biến với hơn 100 triệu lượt tải xuống. Không lâu sau, Mỹ đã đưa CamScanner vào danh sách các ứng dụng bị cấm do lo ngại chính phủ Trung Quốc theo dõi công dân Mỹ.
Tương tự, ứng dụng thời trang Shein của tỷ phú Chris Xu (Trung Quốc) cũng được biết đến với hàng hóa kém chất lượng, sao chép, chất liệu không rõ ràng… cùng nhiều cáo buộc liên quan đến việc vi phạm quy định lao động.
WeChat và UC Browser thuộc sở hữu của hai trong số những công ty có giá trị nhất trên thế giới: Tencent và Alibaba. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết chính phủ Trung Quốc đều sở hữu ‘cổ phần vàng’ của cả hai công ty (được mua dưới danh nghĩa các quỹ hoặc công ty do chính phủ hậu thuẫn). Dù chiếm tỉ lệ chỉ khoảng 1% nhưng các công ty này có quyền hạn khá cao trong việc ra quyết định kinh doanh.
TikTok hiện đang bị nhiều quốc gia tẩy chay. Ảnh: TIỂU MINH |
Tương tự, TikTok, Lemon8 và CapCut đều thuộc sở hữu của ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, và theo luật pháp Trung Quốc, các công ty này phải cung cấp dữ liệu cho chính phủ khi được yêu cầu.
Dưới đây là danh sách 11 ứng dụng Trung Quốc bạn nên gỡ bỏ ngay lập tức:
- TikTok - ByteDance
- Lemon8 - ByteDance
- CapCut - ByteDance
- Pinduoduo - PDD Holdings
- Temu - PDD Holdings
- CamScanner - Intsig Information
- Shein - Roadget Business
- TurboVPN - Innovative Connecting
- Wechat - Tencent
- Trình duyệt UC - Tập đoàn Alibaba
- SHAREit - SHAREit Technologies
Hầu hết các nhà phát triển kể trên đều nói rằng chính phủ không có quyền truy cập vào dữ liệu, tuy nhiên không có gì đảm bảo điều này là sự thật.
Vào năm 2020, các quan chức cấp cao Ấn Độ cũng liệt kê danh sách 52 ứng dụng Trung Quốc bị cấm vì không an toàn để sử dụng. Trong số đó có rất nhiều ứng dụng quen thuộc như TikTok, SHAREit, Bigo Live, Club Factory, Shein và Helo.
Tương tự, các sản phẩm của Tencent cũng không nằm trong danh sách ngoại lệ, trong đó có những cái tên được nhắc đến là Swiggy, Hike, Practiceo, QQ International, QQ Launcher, QQ Security Centre, QQ Player, QQ Music, QQ Mail, QQ Newsfeed và Wesync.
Ngoài ra vẫn còn một loạt các ứng dụng nâng cao hiệu suất điện thoại, chỉnh sửa video, chống virus cũng được nhắc tên như Vault-Hide, VivaVideo, Virus Cleaner, DU recorder, Baidu Translate, Baidu Map, Mail Master, Parallel Space, DU Privacy, 360 Security, DU Battery Saver, DU Cleaner, Clean Master, CacheClear DU apps studio, Clash of Kings, ES File Explorer.