8 ứng dụng Android bạn nên xóa ngay lập tức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Mới đây, nhà nghiên cứu bảo mật Maxime Ingrao (Evina) đã phát hiện có ít nhất 8 ứng dụng trên Google Play bị nhiễm phần mềm độc hại Autolycos.

Theo báo cáo, phần mềm độc hại Autolycos được thiết kế để âm thầm đăng kí các dịch vụ trả phí trên điện thoại mà người dùng không hề hay biết. Thống kê cho thấy, 8 ứng dụng bị lây nhiễm phần mềm độc hại đã được tải xuống hơn 3 triệu lần.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Google đã ngay lập tức xóa bỏ 8 ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại, tuy nhiên, chúng sẽ vẫn tồn tại trên điện thoại nếu bạn đã lỡ cài đặt trước đó.

Phần mềm độc hại trên Google Play. Ảnh: BleepingComputer

Phần mềm độc hại trên Google Play. Ảnh: BleepingComputer

Dưới đây là danh sách 8 ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại Autolycos:

- Funny Camera (KellyTech): 500.000 lượt cài đặt

- Razer Keyboard & Theme (rxcheldiolola): 500.000 lượt cài đặt

- Vlog Star Video Editor (com.vlog.star.video.editor): 1 triệu lượt cài đặt

- Creative 3D Launcher (app.launcher.creative3d): 1 triệu lượt cài đặt

- Wow Beauty Camera (com.wowbeauty.camera): 100.000 lượt cài đặt

- Gif Emoji Keyboard (com.gif.emoji.keyboard): 100.000 lượt cài đặt

- Freeglow Camera 1.0.0 (com.glow.camera.open): 5.000 lượt cài đặt

- Coco Camera v1.1 (com.toomore.cool.camera): 1.000 lượt cài đặt

Để gỡ cài đặt, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng) - Manage apps (quản lý ứng dụng), chọn ứng dụng độc hại và nhấn Uninstall (gỡ cài đặt). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.

Chia sẻ với BleepingComputer, nhà nghiên cứu nói rằng ông đã phát hiện các ứng dụng độc hại từ tháng 6-2021 và báo cáo với Google ngay lập tức. Mặc dù vậy, công ty phải mất 6 tháng mới xóa bỏ 6 ứng dụng, và 2 ứng dụng còn lại chỉ vừa được xóa gần đây.

Autolycos là phần mềm độc hại được thiết kế để thực hiện các hành vi lén lút từ xa, đơn cử như đọc tin nhắn SMS, tự động đăng kí các dịch vụ trả phí…

Những kẻ đứng sau phần mềm độc hại đã tạo ra nhiều chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội. Chỉ tính riêng ứng dụng Razer Keyboard & Theme đã có đến 74 chiến dịch quảng cáo.

Để giữ an toàn trước những mối đe dọa này, người dùng nên theo dõi dữ liệu Internet và mức tiêu thụ pin trong phần cài đặt, kích hoạt tính năng Play Protect và cố gắng giảm thiểu số lượng ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh.

Kích hoạt tính năng Play Protect trên điện thoại Android

Kích hoạt tính năng Play Protect trên điện thoại Android. Ảnh: TIỂU MINH

Đọc thêm