Theo TechCrunch, sau khi thực hiện các cuộc kiểm tra đối với các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Ấn Độ, bao gồm Xiaomi, vivo, OPPO… Cục Tình báo doanh thu (DRI) đã phát hiện bằng chứng cho thấy OPPO Ấn Độ “cố tình” khai sai mô tả về một số mặt hàng, điều này cho phép hãng được hưởng quyền lợi miễn thuế trị giá 374,3 triệu USD.
Một cửa hàng của OPPO. Ảnh: Xing Yun/Getty Images |
“Trong quá trình điều tra, DRI đã tiến hành khám xét tại trụ sở văn phòng của OPPO Ấn Độ và nơi ở của các nhân viên quản lý chủ chốt. Sau đó bằng chứng về việc cố ý khai báo sai một số mặt hàng nhập khẩu để sản xuất điện thoại đã được tìm thấy”, Bộ Tài chính cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh đó, OPPO Ấn Độ còn thanh toán hơn 176 triệu USD phí bản quyền và phí giấy phép cho các công ty khác, bao gồm cả một số công ty ở Trung Quốc, và không cộng vào giá trị giao dịch của hàng hóa do họ nhập khẩu, vi phạm Mục 14 của Đạo luật Hải quan năm 1962 của nước này, Bộ Tài chính cho biết trong một tuyên bố.
Tại Ấn Độ, OPPO còn kinh doanh các thương hiệu khác gồm OnePlus và Realme. Nếu cộng thị phần của tất cả các đơn vị này, OPPO Ấn Độ là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất trong nước.
OPPO chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến vấn đề trên.
Trước đó không lâu, Tổng cục thi hành án (ED) Ấn Độ đã tiến hành đột kích hàng loạt cơ sở sản xuất và hoạt động của vivo tại nhiều bang trong nước. Kết quả cho thấy vivo đã liên kết với một công ty sử dụng tài liệu giải mạo vào thời điểm thành lập tại Ấn Độ.
ED đã thu giữ 119 tài khoản ngân hàng với 58,7 triệu USD có liên quan đến vivo Ấn Độ.
Động thái của ED đã khiến đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ cảm thấy không hài lòng. Đại sứ quán cho biết, “những cuộc điều tra thường xuyên” như vậy đối với các đơn vị địa phương của các công ty Trung Quốc đang “cản trở việc cải thiện môi trường kinh doanh” ở Ấn Độ, “làm mất lòng tin và sự sẵn sàng” của các doanh nghiệp nước ngoài khác khi đầu tư, hoạt động tại thị trường Nam Á.
Đại sứ quán cho biết Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty của mình tuân thủ luật pháp và quy định ở nước ngoài, đồng thời “mong muốn” phía Ấn Độ cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc.
Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng đã leo thang từ năm 2020 sau một cuộc giao tranh ở biên giới. Ấn Độ kể từ đó đã đưa ra một số hạn chế đối với các công ty Trung Quốc.
Trong 2 năm qua, New Delhi đã cấm hàng trăm ứng dụng Trung Quốc bao gồm TikTok, UC Browser và PUBG Mobile, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Ấn Độ cũng đã sửa đổi chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2020 để yêu cầu tất cả các quốc gia láng giềng có chung ranh giới phải được chính phủ chấp thuận khi tiến hành giao dịch. Trước đây, chỉ có Pakistan và Bangladesh là đối tượng của yêu cầu này.
ED cũng đã tiến hành một cuộc điều tra về Xiaomi, một công ty khác của Trung Quốc và thu giữ 725 triệu USD của Xiaomi Ấn Độ, cáo buộc công ty vi phạm luật ngoại hối của đất nước.
Các giám đốc điều hành của Xiaomi, đã bác bỏ các cáo buộc và phản đối phán quyết về mặt pháp lý, Reuters đưa tin.
Cả vivo và Xiaomi đều phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) đã thúc giục New Delhi can thiệp và cáo buộc ED thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của các khoản thanh toán tiền bản quyền trong ngành công nghiệp công nghệ.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, Xiaomi tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng dương so với cùng kì năm ngoái (cao nhất trong danh sách). Với 22% thị phần, công ty đã lần đầu vươn lên vị trí thứ 2 tại thị trường Việt Nam, vượt qua các hãng điện thoại khác sau thời gian nhiều biến động của ngành di động.
Thị phần các hãng sản xuất smartphone tại Việt Nam trong quý I năm 2022. Ảnh: Canalys |