Nokia Lumia 1020
Vào năm 2013, Nokia đã từng cho ra mắt mẫu Lumia 1020 trang bị camera sau (chính) lên đến 41MP, ống kính Carl Zeiss, chống rung quang học OIS, đi kèm đèn Xenon trợ sáng khiến cho cuộc đua về máy ảnh trên smartphone bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ. Vào thời gian đó, phần lớn các tín đồ công nghệ cho rằng camera với số “chấm” càng lớn sẽ giúp cho ảnh chụp có độ chi tiết cao hơn. Đồng thời, điện thoại tích hợp đèn Xenon chuyên dụng như “máy ảnh” chính là xu hướng cho tương lai, giúp chụp ảnh vào ban đêm tốt hơn. Thực tế, điều này chỉ đúng một phần, bởi thông số MP và đèn Xenon chưa phải yếu tố chính để quyết định đến chất lượng ảnh đẹp.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hầu hết nhà sản xuất lớn đều trang bị camera sau 12MP đến 16MP, thay vì nâng cấp từ 20MP trở lên. Một số chuyên gia công nghệ nhận định, camera có số “chấm” lớn chỉ thực sự hữu dụng trong bối cảnh chụp với chủ thể ở khoảng cách rất xa hoặc những lúc cần in ra khổ giấy lớn. Trong khi đó, thông số MP càng lớn sẽ khiến cho tốc độ chụp ảnh chậm theo, dung lượng file ảnh cũng tăng tương ứng nhưng độ chi tiết cho tấm hình chỉ cải thiện một phần nào đó vì phụ thuộc vào khả năng tối ưu camera của từng nhà sản xuất.
Ví dụ, Samsung trang bị cho Galaxy S4 camera sau 13MP, nâng cấp lên 16MP cho S5 và S6 nhưng giảm xuống mức 12MP đối với S7. Cứ ngỡ rằng, Galaxy S7 trang bị camera sau 12MP sẽ cho chất lượng chụp ảnh thua kém các mẫu điện thoại có camera lên đến 21MP và 23MP. Trong danh sách thống kê các mẫu smartphone chụp ảnh đẹp nhất năm 2016, Galaxy S7 trang bị camera sau 12MP đã từng đứng vị trí số 1 nhờ Samsung sử dụng công nghệ Dual Pixel và tối ưu thuật toán xử lý ảnh tốt hơn các đối thủ khác.
Samsung Galaxy S7
Ngoài việc cải thiện về phần cứng camera, nhiều nhà sản xuất lớn còn cạnh tranh với nhau thông qua các tiện ích chỉnh sửa ảnh chụp “độc quyền” tích hợp sâu vào hệ thống smartphone. Theo đó, những tiện ích này sẽ cải thiện một phần chất lượng ảnh chụp, đặc biệt giúp người dùng dễ dàng chỉnh sửa làn da, khuôn mặt và nhiều thứ khác.
Trong năm qua, iPhone 7 Plus và Huawei P9 trang bị camera kép mặt lưng đã từng tạo ra cơn sốt trong làng công nghệ. Khác với iPhone 7 Plus, Huawei P9 trang bị camera phụ ở mặt lưng dùng chủ yếu để chụp ảnh trắng đen, đo độ sâu ảnh trường ảnh và kết hợp camera chính nhằm cải thiện chất lượng ảnh chụp. Nhiều nhà sản xuất điện thoại hiện nay đều đang quan tâm đến đến xu hướng camera kép trên smartphone nhằm mong muốn cải thiện chất lượng ảnh chụp hào hảo hơn, tạo điểm nhấn riêng cho sản phẩm.
iPhone 7 Plus
Đầu năm 2017, Vivo đã chính thức cho ra mắt V5 Plus trang bị camera kép 20MP ở mặt trước, hỗ trợ chế độ Bokeh giúp tạo ra hiệu ứng xóa phông rất ảo khi chụp ảnh selfie. Vừa mới đây, OPPO cũng đã trình làng F3 Plus cũng trang bị camera kép ở mặt trước giúp cho việc chụp ảnh wefie hoàn hảo hơn nhờ góc chụp lên đến 120 độ. Nhờ bổ sung thêm camera phụ, bạn có thể dễ dàng chụp ảnh selfie hoặc wefie nhờ góc ảnh rất rộng, hạn chế tối đa tình trạng bị méo ở 4 góc ảnh.
Nhìn chung, nhiều nhà sản xuất điện thoại đang rất quan tâm đến camera nói chung, camera kép nói riêng nhằm mong muốn nâng cao chất lượng ảnh chụp hơn nữa. Nếu như trước đây, nhiều nhà sản xuất tập trung cải tiến camera thông qua cảm biến MP, khẩu độ, công nghệ lấy nét, chống rung quang học, thuật toán xử lý ảnh… thì thời điểm hiện tại cũng bắt đầu chú trọng, đem nhiều nhiều tính mới hỗ trợ camera kép cho cả mặt sau và trước trên smartphone.