Từ lâu Sony Mobile đã không còn được nhiều người quan tâm tại Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tương tự, tình hình kinh doanh của công ty tại một số khu vực như châu Phi, Ấn Độ, Úc, Trung Đông, Canada và Đông Nam Á cũng đang dần đi xuống, nơi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Sony giới thiệu mẫu Xperia XZ1 tại Việt Nam. Ảnh: TIỂU MINH
Tất nhiên, người dùng ở những thị trường bị bỏ rơi vẫn có thể mua một chiếc điện thoại Sony Xperia từ các nhà bán lẻ trực tuyến, tuy nhiên, cần phải quan tâm đến vấn đề bảo hành sản phẩm và tương thích.
Năm ngoái, Sony đã âm thầm đóng cửa một số cửa hàng chính ở Malaysia, Singapore và Trung Đông. Nhiều sản phẩm điện thoại trên website cũng bị gỡ bỏ.
Chiến lược kinh doanh điện thoại của Sony có lẽ không phù hợp đối với các quốc gia đang phát triển. Điều đầu tiên bạn có thể thấy chính là mức giá, giá điện thoại Sony luôn cao hơn so với các đối thủ trong khi tính năng thường không bằng. Dù đã cố gắng thay đổi để phù hợp với giới trẻ nhưng dường như tình hình vẫn không khả quan cho mấy.
Chậm đổi mới, thiết kế không phù hợp có lẽ là nguyên nhân khiến Sony không thể cạnh tranh với các hãng sản xuất đến từ Trung Quốc. Ảnh: TIỂU MINH
Tin đồn Sony rút mảng di động khỏi thị trường Việt Nam vốn đã xuất hiện từ năm ngoái khi nhiều nhà bán lẻ đồng loạt xả hàng smartphone Sony. Ở thời điểm hiện tại, các mẫu smartphone của hãng gần như cũng biến mất khỏi các kệ hàng của nhiều đại lý.
Trong group (nhóm) Hội những người thích dùng Sony, nhiều thành viên bày tỏ sự tiếc nuối khi hãng không còn tập trung phát triển tại thị trường Việt Nam.
Anh Nghĩa P. cho biết: "Thiết kế của Sony không đi theo trào lưu, giá thì đắt đỏ, bảo hành lại khó khăn, hi vọng sau này Sony sẽ cải tiến và có bứt phá nhiều hơn để không làm thất vọng người dùng".
Bắt đầu từ năm 2015, chúng ta đã chứng kiến sự nổi dậy đáng sợ của các hãng sản xuất Trung Quốc ở phân khúc điện thoại tầm trung. Với tầm 6 triệu đồng, bạn sẽ có một mẫu smartphone với thiết kế đẹp, camera kép, vân tay, nhận diện khuôn mặt,... và đặc biệt là mức giá rẻ hơn Sony. Thêm vào đó, việc quảng cáo sản phẩm của Sony cũng theo xu hướng cũ, trong khi các hãng khác không ngừng sáng tạo và đổi mới. Đây có lẽ là những lí do đã khiến Sony "hụt hơi" trong cuộc đua tại thị trường Việt Nam.