Vào ngày 19-5, Google đã tạm ngừng hợp tác với Huawei theo lệnh cấm của Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ không thể tiếp tục sử dụng Android và các ứng dụng của Google trên điện thoại. Việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của Huawei khi phân nửa số lượng smartphone bán ra nằm ngoài Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Information, Giám đốc mảng điện tử tiêu dùng của Huawei - Richard Yu cho biết: “Công ty buộc phải khởi động hệ điều hành và hệ sinh thái riêng. Hệ điều hành này tương thích với các ứng dụng Android, thậm chí khả năng xử lý còn cao hơn 60% nhờ kiến trúc microkernel”.
Huawei được cho là đã âm thầm phát triển một hệ điều hành “cây nhà lá vườn” trong nhiều năm qua (2012) với tên gọi nội bộ là “Project Z”. Ông Yu cho biết, hệ điều hành mới có thể sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau. Tuy nhiên, ngay cả khi Huawei hoàn tất việc xây dựng, công ty vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách lớn hơn để hoàn thiện hệ sinh thái ứng dụng trên hệ điều hành.
Khi phải đối mặt với viễn cảnh mất quyền truy cập vào các phần mềm quan trọng của Mỹ, Huawei đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ điều hành.
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã gia hạn thêm cho Huawei và 68 công ty khác trong danh sách đen tiếp tục hỗ trợ người dùng cập nhật phần mềm. Tương tự, Google cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Huawei trong vòng 90 ngày tới.
Phát ngôn viên của Microsoft từ chối bình luận về việc có tiếp tục hợp tác với Huawei hay không. Nếu bị mất giấy phép sử dụng Windows, mẫu laptop MateBook X Pro sẽ không thể cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Apple, HP, Dell,…
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể đè bẹp hi vọng trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới của Huawei. Bộ phận điện tử tiêu dùng của công ty, trong đó bao gồm smartphone đã trở thành nguồn doanh thu lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng doanh thu (107 tỉ USD) của Huawei.
Một bản báo cáo hồi tháng trước cho biết, ông Richard Yu đã đặt mục tiêu tăng gấp ba lần doanh thu vào năm 2023 (tương đương 150 tỉ USD). Tuy nhiên, việc này sẽ rất khó khăn nếu biện pháp trừng phạt được tiếp tục.
Ý kiến của ông Yu trái ngược rõ rệt so với lập trường của CEO Huawei - Ren Zhengfei, người đã đưa ra một thông điệp thách thức Mỹ.
Ông Ren, một cựu kỹ sư thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, người sáng lập công ty vào năm 1987, cho biết trong cuộc phỏng vấn trước giới truyền thông Trung Quốc: “Các chính trị gia Mỹ đã đánh giá thấp khả năng của Huawei. Công ty đã chuẩn bị tốt và biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh”.
Ông Richard Yu - Giám đốc mảng điện tử tiêu dùng của Huawei. Ảnh: Internet
Trọng tâm của Project Z là hướng đến thị trường nội địa, nơi Huawei hi vọng hệ điều hành của công ty sẽ có mắt trên tất cả thiết bị từ điện thoại đến các thiết bị đeo khi Trung Quốc chuyển sang mạng 5G.
Huawei có thể thành công với hệ điều hành mới tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thị trường nước ngoài, rất khó để công ty có thể xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng mới trên hệ điều hành riêng của mình, điều này gần như là không thể.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.