Hiện giá bán của tất cả các sản phẩm tại hệ thống Viễn Thông A vẫn không thay đổi.
Tăng tỉ giá là điều cần thiết
Ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc Marketing của CMC Distribution cho biết: Theo nhận định chung thì việc tăng tỉ giá USD liên ngân hàng lên mức 20.693 đồng làm cho biên độ chênh lệnh giữa tỉ giá liên ngân hàng và tỉ giá tự do trên thị trường xích lại gần nhau hơn, qua đó sẽ làm ổn định hơn mức biến động của đồng USD trên thị trường tự do. Như lịch sử các lần điều chỉnh trước đây, việc điều chỉnh này cũng sẽ mang lại hy vọng dẫn đến được sự ổn định lâu dài và ít nhất là trong năm 2011 của đồng USD. Đây sẽ là tiền đề tốt giúp các đơn vị phân phối thiết bị công nghệ thông tin có sự ổn định hơn trong việc kinh doanh và mong chờ một năm có mức tăng trưởng tốt và ổn định hơn nhiều so với năm 2010 vừa qua.
Ông Huỳnh Nhân Quí, Giám đốc nghiên cứu thị trường Công ty Viễn Thông A cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND là một động thái cần thiết nhằm thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá USD tự do và tỷ giá chính thức. Trên thực tế, sự chênh lệch này đã kéo dài nhiều tháng trước đó và tỷ giá tự do luôn duy trì mức chênh lệch cao hơn gần 10% so với tỷ giá chính thức gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Trần Việt Quân, Giám đốc Bách Khoa Computer cũng cho biết, việc nâng tỉ giá lần này, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực IT sẽ không gặp khó khăn. Có chăng cũng chỉ là tốc độ mua bán sẽ bị giảm lại vì một số ít mặt hàng tăng theo tỉ giá từ 8-10% (chủ yếu là linh kiện), mà thực tế thì lĩnh vực IT đã 2 lần tăng giá trong 4 tháng nay.
Đây là một ngành mà hàng hoá chủ yếu theo con đường nhập khẩu là chính, vì thế việc thay đổi tỉ giá, đưa đồng USD về 1 tỉ giá sẽ giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, họ dễ dàng mua đồng USD hơn để phục vụ kinh doanh. “Nếu trên thị trường vẫn còn 2 tỉ giá như thời gian dài từ trước đến nay, doanh nghiệp gặp khó khăn bội phần vì khi nào cũng phải mua USD theo giá thị trường tự do, Ngân hàng niêm yết giá như thế nhưng thực tế họ không chịu bán cho doanh nghiệp theo tỉ giá đó, ngoài các khách hàng thân thiết. Có thể nói 90% doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nhập khẩu hiện nay đều phải chịu mua USD để thanh toán theo giá thị trường tự do, vì thế kéo về một tỉ giá là điều rất đáng mừng”, ông Quân nói.
Giá mặt hàng công nghệ sẽ chưa tăng?
Xét về mặt giá cả các mặt hàng ở lĩnh vực này, ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc Marketing CMC Distribution cho biết, về mặt bằng giá, hiện với các đơn vị áp dụng việc tính giá theo tỉ giá liên ngân hàng thì mặt bằng giá sẽ tăng tương ứng với mức tăng của tỉ giá liên ngân hàng. Tuy nhiên đa phần các đơn vị kinh doanh IT hiện đã niêm yết giá VND và tỉ giá đã được tính theo thị trường tự do từ cuối năm ngoái khi có nhiều biến động về tỉ giá USD, do vậy về cơ bản thì mặt bằng giá trước mắt sẽ giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm 2011 này.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Trần Anh, Hà Nội cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại thì phần lớn các mặt hàng đang được bán ở Trần Anh vẫn chưa tăng giá, lý do các công ty nhập khẩu khi tính giá bán theo công thức tỷ giá trung bình = (tỷ giá ngân hàng + tỷ giá tự do). Bên cạnh đó, đợt tăng tỉ giá vừa qua chỉ cao hơn 2% so với cách tính trước cộng với việc hàng hoá đã được công ty chuẩn bị trước cho vụ mùa bán hàng trước tết âm lịch và sau tết Âm lịch (theo tỷ giá cũ) nên giá cả sẽ không tăng.
Ông Huỳnh Nhân Quí, Giám đốc nghiên cứu thị trường công ty Viễn Thông A phân tích, điều tất yếu khi tỷ giá tăng lên thì các loại hàng hoá nhập khẩu ít nhiều cũng bị ảnh hưởng do chi phí đầu vào sẽ cao hơn lúc trước. Các mặt hàng công nghệ như điện thoại di động, laptop... tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá bán còn phụ thuộc nhiều yếu tố như cung cầu của thị trường, lượng hàng tồn kho, chính sách phân phối của các nhà cung cấp... “Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về vấn đề điều chỉnh giá bán từ các nhà cung cung cấp. Do đó, giá bán của tất cả các sản phẩm tại hệ thống Viễn Thông A vẫn không thay đổi”, ông Quý cho biết.
Trong thời gian tới, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, giá mặt hàng công nghệ thông tin tất yếu sẽ phải tăng theo tỉ giá USD và mức tăng tương ứng với % tỉ giá USD tăng. Doanh nghiệp phải chấp nhận việc buôn bán sẽ ế ẩm hơn, nhưng nó không kéo dài, chỉ diễn ra 1 đến 2 tháng vì thực tế khách hàng chắc chắn vẫn phải mua hàng theo nhu cầu tương ứng.
“Khách hàng sẽ dè dặt hơn khi mua hàng” Đó là khẳng định của bà Võ Thị Hoàng Quân, Tổng Giám đốc FPT Distribution. Theo bà Quân, với việc tăng tỉ giá này thì giá nhập vào của nhà phân phối sẽ tăng và các mặt hàng sẽ lên giá, lúc đó khách hàng sẽ dè dặt hơn khi đi mua các mặt hàng trong lĩnh vực CNTT. Riêng đối với các sản phẩm laptop, hiện tại đã có một số hãng hỗ trợ Nhà phân phối với phương án nhập hàng bằng VNĐ, nên cũng phần nào giải quyết được các vấn đề vướng mắc của tỷ giá. Ông Trần Việt Quân, Giám đốc của Bách Khoa Computer phân tích thêm, việc điều chỉnh tỉ giá USD như trên quan trọng nhất vẫn là sự điều hành của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Nếu như tỉ giá điều chỉnh bằng với tỉ giá của đồng USD tự do thì doanh nghiệp sẽ gặp thuận lợi trong kinh doanh, tuy nhiên việc điều chỉnh này phải linh động để làm sao tránh được tình trạng 2 tỉ giá xảy ra. Bởi nếu tỉ giá Ngân hàng Nhà nước 20.000 đồng mà tỉ giá của thị trường tự do 20.500 đồng, doanh nghiệp kinh doanh công nghệ vẫn chịu khổ. Nhà nước không quản lý được tỉ giá thị trường tự do sẽ sinh ra lạm phát. Lê Mỹ |
Theo Lê Mỹ - Nguyễn Khiêm (ICTnews)