Theo một báo cáo, Facebook đang chọn lọc một số người dùng để "đánh sập" ứng dụng Anroid Facebook trên thiết bị của họ trong một thời gian dài để thử nghiệm ngưỡng thời gian mà người dùng buộc phải từ bỏ Facebook. Nhưng thử nghiệm này có vẻ đã thất bại vì người dùng bị Facebook cuốn hút quá mạnh và "không ngừng quay trở lại".
Dù ứng dụng Facebook đã "sập" hàng giờ, mọi người sẽ lại dùng phiên bản web để lên Facebook trở lại thay vì dùng ứng dụng Anroid. Và dù thử nghiệm này chỉ xảy ra một lần vào "vài năm trước" nhưng nó gây ra khá nhiều tranh cãi. Vào năm 2014, Facebook đã gặp sự chống đối mạnh mẽ khi tiết lộ rằng họ đã thử nghiệm người dùng để nghiên cứu về "sự lây lan cảm xúc", cố tình điều chỉnh những nội dung tích cực và tiêu cực trên trang tin của người dùng.
Thử nghiệm bị phát hiện gần đây cũng gặp phải phản ứng tương tự. Vì Facebook trở nên quá phổ biến trong đời sống nhiều người, việc cố tình ngăn chặn họ có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Theo các chuyên gia, người dùng hoàn toàn không biết về các thử nghiệm này và cũng không thể rời bỏ Facebook dù phát hiện ra mình bị lấy làm "thí nghiệm".
Mục đích của những thử nghiệm này có thể là để Công ty Facebook xây dựng một kế hoạch dự phòng để "đối đầu" với Google (trong lĩnh vực quảng cáo và tìm kiếm).
"Vũ khí" mạnh nhất của Google là họ có thể gỡ bỏ Facebook khỏi Google Play Store khiến Facebook không thể sử dụng ở những máy dùng Android. Dù Facebook có thể không cần "nương nhờ" Play Store, ứng dụng này cũng phải phát triển nhờ nhiều dịch vụ của Google, bao gồm chức năng tự động cập nhật và đặt mua ứng dụng.