Những công nghệ chỉ mang tính… quảng cáo

Trong một cuộc gặp gỡ báo chí trao đổi về sản phẩm công nghệ mới tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng phần lớn không quan tâm nhiều tới thiết kế camera kép trên smartphone. Bởi họ chỉ đơn giản là giơ điện thoại lên là chụp, miễn là ra ảnh càng đẹp thì họ càng ưng bụng chứ không muốn chỉnh tới chỉnh lui. Vì thế, chạy đua thêm một cái camera để phải tăng giá bán thì là giải pháp không khôn ngoan.

“Chết” vì không tiện dụng

Thật ra chuyện công nghệ mới chỏi với thị trường xưa nay xảy ra thường xuyên, trên quy mô toàn cầu. Có không ít công nghệ và tính năng bị chết yểu do chúng là những ngẫu hứng bay bổng quá cao của những nhà thiết kế. Đơn cử như tính năng mới lạ được hãng điện thoại HTC trang bị cho smartphone HTC U11 ra mắt hồi tháng 5-2017. Tích hợp cảm biến Edge Sense, smartphone này cho phép người dùng bóp hai bên cạnh sườn nó để truy cập nhanh tới những ứng dụng như Facebook, Twitter hay Pinterest. Chỉ cần bóp một cái là bạn có thể gọi ngay một trong hai trợ lý ảo cá nhân Google Assistant và Amazon Alexa ra phục vụ mình. Sau khi đã bỏ ra 1,1 tỉ USD mua lại từ HTC nguyên êkíp từng phát triển smartphone Pixel với mình, Google ngày 4-10-2017 đã ra mắt bộ đôi smartphone Pixel 2 và Pixel 2XL cũng có tính năng bóp tương tự. Chỉ cần bóp một cái vào hai cạnh điện thoại là bạn có thể mở ngay trợ lý ảo Google Assistant.

Thế nhưng tính năng “bó” thú vị của HTC U11 và Pixel thế hệ 2 có lẽ sẽ thất thủ khi về thị trường Việt Nam. Không chỉ do hầu hết người dùng ở Việt Nam không quan tâm tới những ứng dụng trợ lý ảo mà họ có thói quen dùng ốp lưng hay vỏ để bảo vệ chiếc smartphone, khiến tính năng bóp bị “liệt” luôn.

Hay như công nghệ hiển thị 3D. Ban đầu nó là một cơn sốt nóng, coi như một xu hướng thời thượng. Nhưng cách đây vài năm, công nghệ này đã bị khai tử. Hãng Samsung, nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới, đã ngưng sản xuất TV 3D từ năm 2016. Tại triển lãm công nghệ toàn cầu CES Las Vegas 2017 hồi đầu năm 2017 ở Mỹ - một sự kiện được coi là nơi trình làng các khái niệm mới và định hướng thị trường hàng điện tử tiêu dùng, các ông lớn về TV như Samsung, LG, Sony và Panasonic không đem tới một chiếc TV 3D nào nữa.

Camera kép chỉ phù hợp với dân chơi nhiếp ảnh chứ không phù hợp với người dùng thông thường cần chụp nhanh. Ảnh: Internet

Nên chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu

Cả hai nhà sản xuất smartphone hàng đầu là Samsung và LG đều đã phải trải qua kinh nghiệm đau buồn với thiết kế smartphone cong. Tháng 10-2013, LG ra mẫu smartphone LG G Flex 6 inch có màn hình cong ở hai đầu (from top to bottom) theo chiều ngang (horizontal curve). Ngay sau đó, cũng tháng 10-2013, hãng Samsung cũng có chiếc Samsung Galaxy Round 5.7 inch cong hai bên cạnh (from edge to edge) theo chiều đứng (vertical curve). Cho dù cả hai hãng ra sức ca ngợi các tính ưu việt của màn hình cong nhưng thực tế sử dụng lại gây quá nhiều bất tiện, nên cả hai mẫu smartphone màn hình cong này đều lâm vào số phận “làm chơi cho biết độc nhất một lần”.

Ngày càng có thêm nhiều người bừng tỉnh, đi tìm những smartphone chạy hệ điều hành Android nguyên bản. Sử dụng hệ điều hành nguyên bản không chỉ nhẹ máy, đơn giản, cho dù có khi phải hy sinh một số tính năng độc quyền của nhà sản xuất thiết bị, người dùng còn được bảo vệ tốt hơn do được Google thường xuyên cập nhật các tính năng và bản vá an ninh mới nhất. Hơn nữa, mỗi khi Google cung cấp một bản lên đời hệ điều hành mới, người dùng thiết bị có hệ điều hành Android nguyên gốc sẽ được nâng cấp ngay lập tức, không còn phải chờ lâu, có khi cả nửa năm, đợi hãng điện thoại xào nấu, tinh chỉnh, tùy biến theo ý họ.

Cho nên người tiêu dùng thông minh vẫn luôn phải niệm câu khẩu quyết “chớ có cả tin lời nhà sản xuất”. Chắc chắn nhiều hãng không bao giờ dám nhớ lại những gì mình đã “bơm hơi thổi phồng” cho những sản phẩm mới của mình trước kia.

Cùng chung số phận như TV 3D là công nghệ TV màn hình cong, TV 3D đã chết còn TV màn hình cong đang hấp hối. Ở Việt Nam, trong loạt sản phẩm đời 2017 vẫn còn một ít mẫu màn hình cong. Thực tế TV cong có thể gây cảm giác lạ khi xem trong thời gian đầu nhưng sau đó người dùng sẽ cảm thấy “nản lòng chiến sĩ”. Bởi lẽ muốn coi đẹp thì phải ngồi trong phạm vi tối ưu trước màn hình, rồi còn bị phản chiếu ánh sáng nhiều hơn TV phẳng. Hơn nữa, TV cong cho cảm giác màn hình nhỏ hơn so với màn hình phẳng cùng kích cỡ. 

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới