Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5- 2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Báo Pháp Luật TP. HCM ghi lại những cảm xúc, kỷ niệm, chia sẻ của NSƯT Ca Lê Hồng trong những lần bà có dịp được gặp, biểu diễn cho Bác xem; học tập từ tấm gương đạo đức của Người.
Bà có cơ duyên được gặp Bác bốn lần. Lần đầu tiên là khi bà vừa tập kết ra Bắc, năm 1956. Những lần tiếp theo lần lượt vào các năm 1960, 1962 và 1963. Sau mỗi lần gặp, bà luôn tâm đắc lời dạy của Bác rằng: “Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.
Những người con Nam Bộ như bà lúc đó sống xa quê nhà nên được biểu diễn để Bác xem, được nhìn thấy Bác thì ai cũng vui mừng, trân quý từng khoảnh khắc.
Nghệ sĩ chớ “gieo vừng ra ngô”
Lần đầu tiên tôi gặp Bác là khi đoàn Văn công Nam Bộ được vào phủ Chủ tịch biểu diễn để Bác xem. Đây cũng là buổi biểu diễn đầu đời của tôi. Đêm diễn đó cũng là lần đầu tiên cố NSND Quang Hải nhìn thấy Bác, vì mừng quá nên ông đã buột miệng hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Trong các tiết mục có điệu múa Dâng hoa. Tốp múa hầu hết rất trẻ, được biểu diễn ai cũng háo hức, vui sướng. Khoảng cách Bác ngồi xem rất gần nên mọi người cứ chăm chú nhìn Bác, dẫn đến điệu múa chệch choạc, không đều. Cũng may là chúng tôi lấy lại được bình tĩnh, tập trung múa cho đến khi kết thúc. Tôi còn nhớ rõ cảm xúc sau khi múa xong là niềm vui xen lẫn áy náy, băn khoăn vì múa chưa tốt, nhưng nhìn Bác cười vui lại có lời động viên nên phút chốc quên buồn mà lòng cứ lâng lâng xúc động, tự hào.
Một lãnh tụ vĩ đại nhưng sao quá bình dị, gần gũi, cảm giác thật ấm áp, tràn đầy yêu thương. Ấn tượng đó sống mãi trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Đặc biệt là những lời nói, nụ cười của Bác thật hồn hậu, nhân ái biết bao.
Sau mỗi lần xem đoàn diễn xong, Bác thường vào hậu trường thăm đoàn.
Mọi người cùng ngồi quây quần bên Bác, nghe Bác trò chuyện, dặn dò. Lời Bác nói giản dị, thân tình, nhắc nhở chúng tôi phải đoàn kết, yêu thương, vì miền Nam mà cố gắng học tập, làm chuyên môn tốt.
Một lần khác, Bác bất ngờ đến thăm khu Văn công Cầu Giấy- vốn là nơi ăn ở, tập luyện của các đoàn Văn công miền Nam- nên không ai biết trước. Bất chợt, một nghệ sĩ nhìn thấy Bác cùng một vài đồng chí cảnh vệ xuất hiện, vì quá bất ngờ và vui mừng nên hét quýnh cả lên: “Bác đến, Bác đến!”.
NSƯT Ca Lê Hồng vinh dự nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. ẢNH: THANH TUYỀN.
Một câu chuyện khác cũng khiến tôi nhớ mãi là khi các nghệ sĩ trong đoàn đến thăm Bác tại nhà sàn, nơi Bác đang ở. “Bác nhẹ nhàng bước xuống cầu thang với bộ đồ pyjama màu nâu giản dị, bên ngoài khoác chiếc áo kaki, tôi và một người bạn nữa chạy đến chân cầu thang nắm tay, dắt Bác đến ngồi vào bàn. Bác nhìn chúng tôi, nói cười thật vui vẻ rồi đưa kẹo bảo chúng tôi ăn. Bác trò chuyện, hỏi han về cuộc sống, về việc chuyên môn của mọi người.
Tôi mới thật tình kể rằng, phải tập kết vì chiến tranh nên chưa được học đến nơi đến chốn, hiện đang học tại chức về văn hóa và chuyên môn. Bác chăm chú nghe rồi dặn dò rằng phải gắng học văn hóa, đó là cơ sở để mình hiểu biết, giúp tri thức mở rộng và rèn luyện nghệ thuật ngày một giỏi hơn. Những lời Bác nhắc nhở, tôi mãi ghi nhớ trong suốt cuộc đời làm nghề.
Trong những buổi tiếp xúc, chuyện trò với văn nghệ sĩ thuộc các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, Bác thường nhắc nhở các nghệ sĩ rằng phải chú ý giữ gìn tinh hoa, đồng thời nâng cao phát triển ngày càng hay hơn, nhưng chớ “gieo vừng ra ngô”. Đó là một bài học quý giá mà các văn nghệ sĩ cần lưu ý trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Sống phải biết quan tâm đến người khác
Sau đó, tôi được đi dạo cùng Bác và đồng chí Vũ Kỳ trong khuôn viên phủ Chủ tịch, vừa đi Bác vừa trò chuyện. Đó là một kỷ niệm khó quên.
Khi Bác hỏi chuyện về chuyến đi tập kết, tôi mới kể là đi tàu mấy ngày liền từ Nam ra Bắc vì chưa quen nên bị say sóng và ói. Lúc đó, một đồng chí cảnh vệ đi cùng ngơ ngác chẳng hiểu “ói” là gì, Bác mới cười giải thích: “ ‘Ói’ là cách nói của Nam Bộ, miền Bắc gọi là ‘nôn’ đó”. Mọi người nghe Bác giải thích xong thì đều cười vui.
Những năm 1962- 1963, ba tôi được cử làm đại diện thương mại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Campuchia, đóng tại PhnomPenh. Ông thường về Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình với Bác.
Ba tôi kể lại, nhiều lần ngồi ăn với Bác, ông để ý sau mỗi bữa ăn Bác tự tay thu dọn chén bát gọn gàng, luôn quan tâm đến những người phục vụ. Từ việc làm của Bác, ba luôn dạy chúng tôi là bất cứ chuyện gì có thể làm được thì hãy cố gắng tự mình làm, bởi đó là lối sống không chỉ biết đến mình mà phải luôn quan tâm đến những người khác.
Trong những lần làm việc với ba, Bác đều nhắc nhở phải chú ý học tiếng nước bạn bởi chính điều đó sẽ tạo sự thuận lợi cho việc giao tiếp, có điều kiện sâu sát tiếp xúc và nắm được nhiều tình hình.
Vài lời gửi gắm người trẻ
Trong suốt chặng đường hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, tôi luôn cố gắng học tập, rèn luyện tư dưỡng phẩm chất của một đảng viên, một nghệ sĩ bằng cả tâm lực để đóng góp sức mình cho hoạt động văn nghệ.
Tôi ấn tượng rất sâu về cách dùng từ của Bác Hồ khi chuyện trò, luôn giản dị, trong sáng, dễ hiểu, nghe là nhớ, không lý luận cao xa nhưng rất sâu sắc. Những điều kể trên, càng suy ngẫm tôi càng thấy quý giá, nó nhắc nhở tôi luôn phải chú ý khi giảng dạy cũng như trong công tác đạo diễn, dàn dựng xử lý các lời thoại, câu chữ cho các vở, sao cho người xem dễ nghe, dễ hiểu và dễ nhớ.
Các bạn trẻ ngày nay hãy học tập Bác bắt đầu từ việc nhỏ, từ hành động ứng xử văn hóa, văn minh, đặc biệt chú ý đạo đức, lối sống. Tranh thủ thời gian tuổi trẻ để đọc sách, để học tập, tìm tòi, để có nhiều sáng kiến, làm được những điều có ích, đừng lãng phí vào những chuyện không có lợi cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước.
Nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng NSƯT Ca Lê Hồng vừa nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng do Đảng ủy khối Dân chính đảng trao tặng nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà đã xúc động nói rằng: “Hôm nay tôi nhận danh hiệu 55 tuổi Đảng trong dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ý nghĩa trọng đại của những ngày kỷ niệm nói trên khiến lòng tôi dân trào nhiều cảm xúc: vui sướng, xúc động, xen lẫn vinh dự và tự hào”. |