Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Cảnh báo thí sinh dùng AI, gian lận thi cử

(PLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (2006), được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-6, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình cũ.

Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi, tăng 45.000 em

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

thi tốt nghiệp THPT 2024 1.jpg
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 45.000 em so với năm ngoái. Trong đó có 46.978 thí sinh tự do, chiếm 4,38% tổng số thí sinh.

Để phục vụ kỳ thi, Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu các cơ sở giáo dục đại học tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi, 264 cán bộ tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi. Toàn quốc có 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; rà soát, biên tập và hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi.

Phần mềm hỗ trợ cho hội đồng ra đề thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 cũng được giữ ổn định như năm 2023. Trong khi đó, hệ thống quản lý thi được điều chỉnh, bổ sung một số biểu mẫu báo cáo theo đề nghị của các sở GD&ĐT để bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng.

“Các phần mềm này đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra rà soát, đánh giá về an ninh, an toàn trước khi triển khai và đưa vào sử dụng” - ông Chương nói.

Tuy nhiên, theo ông Chương, qua theo dõi kiểm tra và làm việc trực tiếp với các địa phương, còn phát hiện những khó khăn cần khắc phục ở một số địa phương. Cụ thể, điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số nơi còn hạn chế; phương án sao in, vận chuyển, bảo quản đề thi và bài thi chưa chi tiết, cụ thể.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, chỉnh sửa, duyệt hồ sơ của thí sinh, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng chậm duyệt so với lịch công tác.

Cảnh báo thí sinh sử dụng AI, gian lận thi cử

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, đúng quy chế, Bộ Công an phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn, truyền thông tại các tỉnh, thành nâng cao nhận thức cho thí sinh, cán bộ coi thi.

Ngoài ra, Bộ Công an còn thực hiện các clip và đăng tải nội dung chống gian lận thi cử lên nền tảng mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Mạnh, trong quá trình kiểm tra, các địa phương còn có cách hiểu khác nhau về quy định, nhiều nơi chưa hiểu rõ quy định về khu vực bảo quản đồ dùng của thí sinh, còn gặp khó khăn trong việc phát hiện các thiết bị gian lận thi cử.

“Tình hình sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, thậm chí tại một số quốc gia đã có việc sử dụng AI nhằm gian lận trong thi cử; các thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, tinh vi, siêu nhỏ...; có nơi thí sinh còn gắn thiết bị trong đế giày khiến việc phát hiện các thiết bị này gặp nhiều khó khăn” - ông Mạnh nói.

thi tốt nghiệp THPT 2024.jpg
Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng, tính chất nhạy cảm và phức tạp, tác động xã hội lớn, quy mô trên toàn quốc của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo quá trình triển khai tổ chức kỳ thi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải quan tâm từng khâu của kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện, thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, có phương án dự phòng; tăng cường trách nhiệm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh dự thi, đặc biệt là những nơi khó khăn, vùng cách trở, không để thí sinh nào vì khó khăn mà không đến được điểm dự thi.

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tăng cường công tác truyền thông, đảm bảo chính xác, kịp thời để phản ánh đúng tính chất, quy mô của kỳ thi và có thông tin cảnh báo, răn đe về việc sử dụng thiết bị công nghệ cao.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị trong quá trình tổ chức triển khai kỳ thi không làm cho kỳ thi trở nên căng thẳng, áp lực; cần tạo tinh thần, tâm lý thoải mái cho thí sinh cũng như người làm nhiệm vụ khi bước vào kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra trong hai ngày 27 và 28-6. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các địa phương tổ chức chấm thi từ ngày 29-6.

Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17-7 và xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19-7.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm