Kỳ tích từ thụ tinh trong ống nghiệm ở BV đa khoa Bình Định

(PLO)- Nhờ được chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, BV đa khoa tỉnh Bình Định đã giúp nhiều gia đình hiếm muộn có con.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế công nhận BV đa khoa (ĐK) tỉnh Bình Định làm chủ và thực hiện độc lập kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF-In Vitro Fertilization, điều trị vô sinh, hiếm muộn vào năm 2021. Từ đây, những gia đình hiếm muộn đã tìm được hạnh phúc được làm cha, làm mẹ...

Điều kỳ diệu từ ống nghiệm

Ở sảnh chờ khoa Hỗ trợ sinh sản có khá đông vợ chồng chờ được gọi khám theo số thứ tự. Quan sát những phụ nữ rời khỏi phòng tư vấn những tiếng cười và tiếng thở bật lên nhẹ nhõm, tôi đoán buổi trò chuyện giữa họ với bác sĩ đã nhen lên niềm hy vọng.

Tranh thủ giờ nghỉ, tôi gặp BS CKII Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản BVĐK tỉnh, về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Điều đầu tiên chúng tôi nói với nhau là những tin vui liên tục rung lên trên màn hình điện thoại. “Hai cặp hai vạch rồi nhé, một cặp 11 ngày, một cặp 13 ngày rồi. Vậy là thành công rồi” - BS Tiến khoe màn hình điện thoại và nói với tôi niềm vui ông nhận được.

thụ tinh trong ống nghiệm
BS CKII Nguyễn Hữu Tiến tư vấn quá trình điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: THU DỊU

“Sáng nay, nhiều tin vui quá nhà báo ơi. Hai ca thành công lên hai vạch, hai ca có tín hiệu tốt trong giai đoạn 1. Trước đó, mình vừa phẫu thuật thành công cho người mẹ - hai em bé song sinh kháu khỉnh… Ca này bốn năm ròng rã tìm con. Lần đầu thụ tinh trong ống nghiệm mà trúng luôn” - BS Tiến khoe với tôi.

BS Tiến nói năm 2018 BV tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật IVF từ BV Từ Dũ (TP.HCM). Năm 2020, các bác sĩ của khoa đã làm chủ kỹ thuật này và chờ Bộ Y tế thẩm định.

Từ năm 2021 đến nay, khoa Hỗ trợ sinh sản thăm khám cho khoảng 300-400 cặp vợ chồng/năm, có khoảng 1/3 trong tổng số bệnh nhân tới khám thực hiện điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật IVF.

Sau một năm chuẩn bị, chuẩn hóa quy trình, ngày 7-2-2021, Bộ Y tế công nhận BVĐK tỉnh Bình Định đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Khoa Hỗ trợ sinh sản BVĐK tỉnh Bình Định ra đời, tại đây, các bác sĩ thực hiện điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, tỉ lệ thành công 35%-45%.

Gieo hy vọng, đón hạnh phúc

Sau khi ra đời, khoa Hỗ trợ sinh sản BVĐK tỉnh nhanh chóng được nhiều cặp vợ chồng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận tìm đến.

Mỗi một dòng trạng thái BS Tiến chia sẻ về sự chào đời của một em bé, chị HTD (37 tuổi, TP Quy Nhơn, Bình Định) đều chúc mừng và chia sẻ nhiệt tình. Tôi lần theo bình luận và hẹn gặp chị, chị D dẫn theo cô con gái nhỏ bốn tuổi xinh xắn và giới thiệu đây là kết quả của “cuộc tình ống nghiệm” ở khoa Hỗ trợ sinh sản BV đa khoa tỉnh.

“Vợ chồng mình kết hôn năm 2014, mãi tới năm 2020 mới có con. Trước đó, vợ chồng mình đi nhiều nơi, làm nhiều cách để mong có con nhưng đều thất bại. Lúc tới khoa Hỗ trợ sinh sản BVĐK tỉnh Bình Định, mình nghĩ còn nước còn tát. Nhiều lần thất bại khiến mình không dám hy vọng nữa. May mắn đã mỉm cười với vợ chồng mình, cảm xúc đó đến bây giờ vẫn vẹn nguyên. Đó là sự vỡ òa trong hạnh phúc” - chị D nói.

w-P12_hiem-muon_h2.jpg
Một cặp song sinh kháu khỉnh chào đời sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa Hỗ trợ sinh sản BVĐK tỉnh Bình Định. Ảnh: HT

Quê ở huyện Tây Sơn (Bình Định), vợ chồng chị NTTT và anh NVD kết hôn hơn 10 năm mà chưa có con. Năm 2023, nghe thông tin BVĐK tỉnh có kỹ thuật IVF, vợ chồng anh D gõ cửa khoa Hỗ trợ sinh sản. Sau nhiều lần trao đổi, nhận những kịch bản, tình huống có thể xảy ra khác nhau, vợ chồng anh D quyết định chọn ở lại…

“Đến bây giờ thực sự tôi vẫn lâng lâng, chưa và không thể nào quên cảm giác vỡ òa, nghẹn ngào khi bác sĩ thông báo vợ chồng tôi có con. 12 năm ấy biết bao đợi chờ” - anh D nói.

Theo chia sẻ của BS Tiến, đây là trường hợp lớn tuổi nhất (50 tuổi), hiếm muộn nhiều năm mà BV điều trị thành công.

“Ngay cả tôi khi nhận kết quả cũng xúc động. Thực lòng mà nói tôi chỉ muốn số người khám tiền hôn nhân tăng lên để sàng lọc sức khỏe thật tốt, đó cũng là cách kéo giảm lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn” - BS Tiến chia sẻ.

Khi kết thúc cuộc phỏng vấn, trong sảnh chờ tôi gặp chị MH (quê huyện KBang, Gia Lai) tới theo lịch hẹn để kiểm tra kết quả giai đoạn 1.

Chia sẻ với tôi, chị H cho biết vợ chồng chị xuống lần thứ hai trong thời gian điều trị giai đoạn 1. Chị H chia sẻ: “Bác sĩ vừa siêu âm xong, kết quả rất khả quan. Ngày mai, vợ chồng tôi sẽ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tôi xuống trước buổi sáng để thăm khám. Chiều nay, chồng tôi xuống để mai làm các bước giai đoạn 2”.

Thay bộ đồ bảo hộ chuyên dụng, BS Tiến cho phép tôi cùng đi qua hành lang các gian phòng chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Những tiếng khóc “oa, oa”, tiếng mẹ hát ru con… ngân lên và vọng ra từ những căn phòng. Hạnh phúc này không bút mực nào tả được, chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.

Làm chủ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

. BVĐK tỉnh Bình Định làm chủ và thực hiện thường quy được nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong khám và điều trị bệnh. Trong đó có điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, giúp nhiều ca bệnh ổn định, không phải chuyển lên tuyến trên, vừa giảm áp lực cho các BV tuyến trên, vừa giảm gánh nặng cho người bệnh và gia đình.

Ông LÊ QUANG HÙNG, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định

. BVĐK tỉnh Bình Định đã làm chủ được kỹ thuật IVF, mở ra một chương mới trong điều trị và chăm sóc sức khỏe phụ sản. Đây cũng là kết quả của việc hợp tác và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

BS VÕ BẢO DŨNG, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm