Ngày 27-4, Bệnh viện (BV) Từ Dũ tổ chức chương trình "Kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của trẻ Thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam - mở rộng đơn vị IVF BV Từ Dũ".
Các y bác sĩ cùng gia đình IVF gặp gỡ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Gian nan trong quy trình xin giấy phép
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc BV Từ Dũ, người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong nước, chia sẻ 30 năm trước, y học chưa thể điều trị hiếm muộn, người phụ nữ lúc đó đau khổ với định kiến "cây độc không trái, gái độc không con".
"Có rất nhiều người vì không sinh được con khiến gia đình tan nát. Do đó chúng tôi nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm để giúp đỡ các bệnh nhân hiếm muộn có thể có con" - bác sĩ kể lại.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng hội ngộ cùng Lưu Tuyết Trân - một trong ba trẻ đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật IVF |
Khi biết trên thế giới đã có phương pháp IVF, các BS bắt đầu hành trình nỗ lực, cố gắng để thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản, phòng Thụ tinh ống nghiệm.
BS Phượng cho biết, quy trình xin giấy phép rất khó khăn vì “sản xuất máy móc thì dễ, có hư sẽ sửa nhưng sản xuất con người không đơn giản, nếu có vấn đề gì thì rất khó”. Vì thế phải có sự đồng ý của Ban bí thư, Bộ Chính trị mới triển khai được kỹ thuật sinh sản đầu tiên, vào năm 1997.
"Thời đó chúng ta chưa đủ ăn, dân số tăng nhiều, kinh tế khó khăn nên rất ít người ủng hộ phương pháp sinh con này. Kinh phí khó khăn, các BS đã tự chi tiền mua sắm trang thiết bị, dụng cụ ban đầu và vận động thêm.
May mắn có sự đoàn kết, đồng lòng của các BS nên đã xin được giấy phép và năm 1998 đã đón các cháu đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật IVF" - BS Phượng tâm sự.
Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ đã ngày càng phát triển |
BS Phượng chia sẻ thêm, những ngày đầu triển khai kỹ thuật, BV chưa có đủ năng lực về chuyên môn cũng như trang thiết bị để sàng lọc trước khi chuyển phôi. Tuy nhiên lúc đó các BS cũng đã chọn lọc những trứng và tinh trùng tốt nhất để thụ tinh. Đội ngũ y BS đều tin tưởng rằng các trẻ sinh ra sẽ khỏe mạnh, có cuộc sống bình thường như những trẻ được sinh bằng phương pháp tự nhiên.
Hiện nay đã có phương pháp sàng lọc trước khi chuyển phôi bằng các xét nghiệm, thậm chí là xét nghiệm gene, giúp chọn được những phôi tốt nhất để chuyển vào người mẹ. “Hy vọng các trẻ ra đời bằng phương pháp IVF sẽ khỏe mạnh và thông minh hơn nữa” - BS nói.
Phương pháp điều trị hiếm muộn ngày càng trở nên an toàn hơn nhờ việc tiêu chuẩn hóa quá trình điều trị theo các chuẩn quốc tế. Năm 2017, khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công lập đạt được chứng nhận Quản lý chất lượng Quốc tế về Thụ tinh ống nghiệm (RTAC) và liên tục tái thẩm định để duy trì cho đến nay.
Đồng thời, các BS, nhân viên y tế cũng liên tục cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm điều trị cùng các đồng nghiệp toàn thế giới thông qua việc báo cáo và tham dự tại các hội thảo quốc tế, cũng như đăng tải các nghiên cứu của mình trên các chuyên san uy tín quốc tế.
BS chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành BV Từ Dũ.
“Hạt mầm” IVF đã nở hoa
Ba đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật IVF là Mai Quốc Bảo, Lưu Tuyết Trân và Phạm Tường Lan Thy.
BS Phượng chia sẻ, ngày đó BV đã có dự định sẽ mổ cho ba bà mẹ vào sáng 30-4-1998. Tuy nhiên tối 29-4, Mai Quốc Bảo đã đạp bụng mẹ đòi ra ngoài, còn bị suy tim thai hai lần nên Ban giám đốc BV xin ý kiến Sở Y tế và mổ cho Mai Quốc Bảo ra đời vào 2 giờ sáng 30-4. Sau đó đến Lưu Tuyết Trân và Phạm Tường Lan Thy lần lượt ra đời vào 8, 9 giờ sáng cùng ngày.
TS-BS Vương Thị Ngọc Lan, con gái của GS-TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng hội ngộ cùng Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo tại buổi lễ |
“Khoảnh khắc ba đứa trẻ đầu tiên được ra đời bằng kỹ thuật này, cả BV và gia đình các bé đều vui mừng xúc động. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc khiến nhiều người rơi nước mắt, đó là người cha của Lưu Tuyết Trân chắp tay thốt lên: ‘Trời ơi gần 50 tuổi đầu mới có được đứa con như thế này’. Thế mà giờ đây, những đứa trẻ ấy đã tròn 25 tuổi” - BS Phượng xúc động kể lại.
Ngày đó, sau gần 6 năm đi tìm con, bà Trần Thị Bạch Tuyết, mẹ của Trân (58 tuổi, ngụ Tiền Giang) đã mạnh dạn đăng ký chương trình thụ tinh ống nghiệm của BV Từ Dũ.
Vì là những người đầu tiên đăng ký nên bà hơi lo lắng nhưng vẫn hy vọng. Chi phí lúc đó khoảng mười mấy triệu, dù kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng bà đã vay mượn với hy vọng có được đứa con đầu lòng.
"Tôi rất may mắn khi chỉ thụ tinh một lần là có được con. Hạnh phúc hơn khi giờ đây con đã luôn khỏe mạnh, ăn học thành tài. Đến nay tròn 25 tuổi, con tôi vẫn rất hãnh diện khi là một trong những trẻ đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật này. Hy vọng những cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ tự tin sử dụng kỹ thuật này và hạnh phúc khi có được những đứa con" - bà Tuyết tâm sự.
Lưu Tuyết Trân cùng mẹ ôn lại kỷ niệm qua những tấm ảnh chụp thời thơ ấu |
Gặp lại các y BS đã góp công giúp mình được có mặt trên đời, Mai Quốc Bảo xúc động: "Tôi luôn tự hào vì mình là một trong những đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật IVF, cũng rất vui khi được mọi người quý mến vì điều đó.
Sinh nhật tròn 25 tuổi, được gặp lại BS Phượng và BS Lan, tôi vô cùng mừng. Chỉ mong ngày càng có nhiều người tin tưởng kỹ thuật này và không từ bỏ ý chí có được những đứa con đáng yêu".
IVF ở Việt Nam đã ngang tầm thế giới
Hiện nay nước ta đã có trên 50 trung tâm thụ tinh ống nghiệm nhờ các BS ngày trước làm thụ tinh ống nghiệm giờ đã trở thành chuyên gia, có công lao chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh lớn.
Ngày trước các BS nước ta phải đi học hỏi nhiều kỹ thuật ở nước ngoài. Hiện nay các nước đã công nhận kỹ thuật IVF của ta và cử người qua học. Ngoài ra có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để gặp các chuyên gia làm thụ tinh ống nghiệm. Có thể thấy BV Từ Dũ đã xây dựng được uy tín, có tên tuổi ở trong nước và quốc tế.
Mong BV Từ Dũ sẽ ngày càng nâng cao chuyên môn, nhất là đào tạo các BS trẻ thành thạo kỹ thuật IVF. Hy vọng những đứa trẻ ra đời bằng kỹ thuật IVF sẽ trở thành công dân tốt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc BV Từ Dũ.