Tôi đã không kìm được những giọt nước mắt khi nhìn những quyển tập có nhiều trang vẽ nguệch ngoạc bên cạnh nụ cười hồn nhiên ngoài bìa của các bệnh nhi ung thư đã vĩnh viễn rời xa cõi tạm, để lại những ước mơ nhỏ nhoi về đôi giày đá bóng hay một chiếc xe đạp đơn sơ.
Ước mơ của những chiến binh dũng cảm
Mùa này là năm thứ 12 ngày hội Hoa hướng dương vẽ tiếp “Ước mơ của Thúy” diễn ra nhằm giúp đỡ các bệnh nhi ung thư trên mọi miền đất nước. Năm nay cuộc hội ngộ của các em nhỏ có chủ đề “Vì những chiến binh mặt trời”.
Những chiến binh dũng cảm trong ngày hội Hoa hướng dương.
Có lẽ hai từ “chiến binh” đã lột tả đầy đủ cuộc chiến cam go mà các em phải đối mặt mỗi ngày, có khi là mỗi giờ, bởi cơn đau và những lần trên đường chạy marathon giành giật sự sống khỏi tử thần. Các chiến binh nhỏ thật dũng cảm!
Ai cũng xúc động khi xem hình ảnh các bé thơ vẽ ước mơ của mình lên bông hoa hướng dương để những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay biến mơ ước thành hiện thực.
Tôi đã thấy nhiều đóa hoa xinh xắn ghi dòng chữ nắn nót “Con ước có một đôi giày đá bóng size 38”; “Con ước có một chiếc xe đạp màu đỏ”, “Con ước có một cây đàn ghi-ta”… những ước mơ rất hồn nhiên và quá đỗi bình thường với các cô cậu bé tuổi chưa quá 15.
Những dòng chữ tiếp theo cứ nhảy múa trước mắt tôi rồi nhòe đi: Con bị bệnh ung thư gan, con bị ung thư máu, con bị bệnh ung thư xương, con bị bệnh mô bào ác tính...
Ước mơ nhỏ nhoi của bệnh nhi...
... và tác phẩm Lòng mẹ của tác giả Huỳnh Mỹ Thuận đoạt giải nhì cuộc thi Khoảnh khắc đáng yêu.
Trong ngày hội, một người cha lên sân khấu nhận giải thưởng ghi lại khoảnh khắc đời thường của bệnh nhi thay con mình. Nước mắt anh giàn giụa với đôi tay run rẩy cầm phần quà thay đứa con vừa từ giã cõi tạm mà chưa kịp biết mình đoạt giải.
Tôi lại đứng lặng tần ngần mãi ở mảnh giấy ghi ngắn gọn “Con ước mau hết bệnh để về đi học…” mà nước mắt cứ chảy dài. Ai sẽ giúp con hiện thực hóa giấc mơ này? Tôi bỗng dưng thấy mình rơi tự do vào một vùng không gian vô định, không có câu trả lời. Cái giá của con chữ và lớp học của những cậu bé, cô bé, tôi chẳng biết định lượng bằng gì.
Lớp học của tình thương
Ước mơ học chữ của các em đã hiện thực hóa ngay tại một căn phòng 20 m2 của BV Ung bướu TP.HCM hơn 10 năm nay với cô giáo tiểu học về hưu Đinh Thị Kim Phấn, cùng hơn 40 cô giáo và tình nguyện viên thường xuyên là sinh viên các trường đại học.
Điều ước giản dị...
... và những ánh mắt hồn nhiên cùng nụ cười trong veo của bé thơ.
Tôi nghe về lớp học này khá nhiều bởi giá trị tinh thần mà nó mang lại cho các bệnh nhi đã thật sự lan tỏa mạnh mẽ như những đóa hoa kiêu hãnh luôn hướng về phía mặt trời. Trang Facebook của lớp học giờ có hơn 8.800 người theo dõi, 10 năm qua đã dạy chữ cho khoảng 1.200 bé với trình độ từ mẫu giáo đến lớp 9.
Nhưng đây chỉ mới là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con chữ kỷ vật của các em được nâng niu trên giá sách. Nghe chuyện cô Phấn có tấm lòng vàng nhiều lần tự mình lặn lội về tận nhà học trò để trao trả lại cho gia đình các em sống mũi tôi cay cay.
Có những quyển tập mới viết có vài trang đã không còn có thể in dấu mực vì chủ nhân bé nhỏ của nó một ngày bất chợt trút bỏ những cơn đau cuối cùng. Có những quyển tập ghép lại 2-3 cuốn vì bệnh viện đã trở thành nhà của các bé, chung sống với thuốc truyền dịch ròng rã suốt 3-4 năm trời.
Có những quyển tập mở đầu là các chữ A, B, C, Ba, Mẹ hay các số 1, 2, 3 nguệch ngoạc vì tác giả chỉ mới lên ba tuổi. Có những quyển tập dày đặc các đoạn văn miêu tả, các bài thơ quen thuộc trong chương trình tập đọc “Đó là một buổi chiều mùa hạ có mây trắng xô đuổi nhau trên cao” vì chiến binh đang ôn bài dang dở phải bỏ lớp, xa thầy cô vào nhập viện...
Nét chữ, nết người của những chiến binh Hoa mặt trời.
Kỷ vật của bé
Tôi sờ lặng lẽ vào những kỷ vật của các bé. Sống với cơn đau hành hạ triền miên, có lẽ gia đình và các em rời bệnh viện về với quê nhà đã không còn khoảng thời gian nào để nhớ về các kỷ vật còn nằm trên kệ của lớp học chữ ấy. Nhưng cô Phấn và những cô giáo của lớp học đặc biệt này thì nhớ.
Họ lần tìm lại những tấm ảnh đã chụp các em mỗi buổi học được lưu cẩn thận trên máy tính, chọn lọc rồi in ra, dán vào bìa quyển tập của từng em. Toàn những ánh mắt trong trẻo và nụ cười hồn nhiên tỏa nắng. Họ lặn lội đi miền Đông, họ cuốc bộ trong các bờ ruộng miền Tây để đến những ngôi nhà nhiều khi trống trơ vì khánh kiệt chạy chữa cho con.
Những kỷ vật của bé.
Mỗi kỷ vật là những giọt nước mắt đau thương mà hạnh phúc khi người thân nhìn lại con cháu mình qua nét chữ, hình ảnh và cả những câu chuyện không thể nào nguôi.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết, đại ý rằng “Kỷ niệm - hãy để một người khác giữ và mình thì lãng quên”. Tôi thì nghĩ cô Phấn và lớp học chữ BV Ung bướu TP.HCM đã lưu giữ những kỷ vật kèm theo nhiều kỷ niệm không bao giờ lãng quên về nhiều mảnh đời bất hạnh hoặc đang từng ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
Các con cũng đâu ước gì xa xôi cao vời, chỉ một đôi giày thể thao size 38 hay một chiếc xe đạp màu đỏ mà thôi.