Kỳ vọng lớp diễn viên cải lương trẻ

(PLO)- Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 đã trở lại với lớp diễn viên trẻ tạo luồng sinh khí mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trải qua 15 ngày tranh tài tại TP Tân An (Long An) của 22 đơn vị nghệ thuật, với 27 vở diễn và gần 1.000 diễn viên trên cả nước, ban tổ chức đã trao 139 huy chương cho cá nhân nghệ sĩ và vở diễn.

Dàn diễn viên trẻ trong vở Bên dòng Long Khốt. Ảnh: VĂN HÀ

Dàn diễn viên trẻ trong vở Bên dòng Long Khốt. Ảnh: VĂN HÀ

Dịch bệnh… đem đến luồng sinh khí mới

Trong khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các sân khấu nói chung cũng như bộ môn nghệ thuật cải lương nói riêng đã gặp vô vàn khó khăn. Những tưởng với những khó khăn sẽ khiến cải lương đi xuống thì tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 đã có những điểm sáng so với các kỳ liên hoan trước với nhiều hy vọng và sự quyết tâm của các đơn vị tham gia.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, bày tỏ: “Liên hoan lần này đầm ấm và có sự gắn kết cao so với những lần trước. Phải chăng sân khấu cải lương đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn thì nghệ sĩ mới ý thức được điều đó. Thông qua liên hoan, những nghệ sĩ có sáng tạo, phát kiến hay quan điểm nghệ thuật gì mới mẻ đều mang đến để trình bày. Giống như cùng nhau trao đổi và rút kinh nghiệm với nhau”.

“Các bạn trẻ sẽ là thế hệ kế tiếp để lĩnh sứ mệnh bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương”.

Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, nhận xét: “Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 đã xuất hiện nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc... Có thể ví mỗi vở diễn là một đóa hoa với những sắc màu khác lạ, thật khó trộn lẫn đã tạo nên một dáng vẻ hết sức riêng biệt với một sức hút lạ kỳ của Liên hoan cải lương toàn quốc 2021”.

Chẳng hạn, vở Bên dòng Long Khốt (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An) có cảnh trí được xử lý ánh sáng thông minh làm nền cho câu chuyện về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tạo cảm xúc với người xem. Hay việc xử lý yếu tố thần kỳ trong vở Huyền thoại gò Rồng ấp của Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng khiến khán giả tò mò đi vào câu chuyện lý giải sự ra đời của Lý Công Uẩn.

Chủ đề năm nay cũng được đánh giá đa sắc màu khi một số đơn vị tham gia khai thác những vấn đề về lịch sử một cách rõ nét, gần gũi với người dân Nam bộ hay những đề tài đương đại quen thuộc với giới trẻ.

Bên cạnh các diễn viên trẻ thì số lượng tác giả trẻ cũng đã tham gia nhiều hơn. Họ đã tạo được sự “lấp lánh” qua khâu biên kịch hoặc chuyển thể cải lương. Ngoài ra, các họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu cũng đã có những tìm tòi về trang trí sân khấu và các thủ pháp tả thực, cách điệu, tượng trưng…

Ông TRẦN HƯỚNG DƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Cải lương đã dần trẻ hóa

Tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 đã có gần 300 diễn viên trẻ tham gia tranh tài, chiếm 40% tổng số diễn viên. Đáng chú ý, không chỉ những lớp nghệ sĩ 8X như Võ Minh Lâm, Gia Bảo, Bình Tinh… mà còn có một lớp nghệ sĩ 9X bắt đầu nhận được sự tin tưởng cho các vai trò ngày càng quan trọng.

Tại đêm khai mạc liên hoan, Đoàn nghệ thuật cải lương Long An đã giao vai trò “cầm trịch” vở Bên dòng Long Khốt cho ba nghệ sĩ 9X: Hoàng Dư, Thu Mỹ và Nam Thanh Phong. Cả ba đã nỗ lực quán xuyến, làm chủ sân khấu, lần lượt dẫn dắt mạch diễn mà phần lớn không có sự hỗ trợ quá nhiều từ các nghệ sĩ gạo cội. Hay trong vở Huyền thoại gò Rồng ấp của Nhà hát Cải lương Việt Nam có sự tham gia của hai nghệ sĩ 9X là Minh Nguyệt và Ngọc Linh. Trong đó, Minh Nguyệt đã có cơ hội diễn chính ở các vở diễn lớn như Vì sao lạc xứ, Nợ nước non…

Trước sự cố gắng, nỗ lực tranh tài, học hỏi lẫn nhau của lớp diễn viên cải lương trẻ, NSND Triệu Trung Kiên cho rằng: “Đây là một tín hiệu rất vui mừng. Nếu như trong một loại hình nghệ thuật mà không thấy mầm non hay chồi non, không thấy lực lượng trẻ thì đó là một điều rất đáng báo động. Thật ra sân khấu cải lương cũng gặp nhiều khó khăn, ở miền Bắc lực lượng diễn viên trẻ cũng đã bắt đầu thiếu vắng. Tuy nhiên, tại liên hoan này ta lại thấy sự xuất hiện của lực lượng trẻ”.

Đối với các lớp diễn viên cải lương trẻ tham gia liên hoan năm nay, bên cạnh những điều tích cực thì ở họ vẫn tạo nên những nghi ngại về thực lực trên sân khấu. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là vẫn có nhiều diễn viên cải lương trẻ tại TP.HCM đã gây ấn tượng bởi sự thông minh, tố chất về giọng hát và sự ham học hỏi của bản thân. “Các bạn sẽ là thế hệ kế tiếp để lĩnh sứ mệnh bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương” - NSND Triệu Trung Kiên hy vọng.•

Vẫn còn thực trạng buồn

Liên hoan là dịp các diễn viên khắp cả nước tụ họp về để xem, học hỏi được những gì, rút kinh nghiệm gì từ đồng nghiệp. Nhưng trong những liên hoan gần đây không có những điều đó nữa. Đoàn thi đầu tiên xong là về ngay, những đoàn thi cuối thì đợi đến ngày thi mới đến. Đó là điều đáng tiếc vì tất cả các đoàn có lý do chính đáng là họ không có kinh phí để diễn viên của họ ở lại.

Tôi mong các địa phương cần chú trọng đến điều này để sau mỗi mùa hội diễn mình mới có những thu hoạch. Tại liên hoan lần này, các em đơn thuần chỉ là đi biểu diễn, thi thố rồi lấy huy chương và... hết. Các em hoàn toàn không phát huy được tinh thần học hỏi, cọ xát và rút ra được những kinh nghiệm.

Soạn giả HOÀNG SONG VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm